Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng: Thiết chế công đoàn sẽ giúp công nhân 'an cư, lạc nghiệp'

Theo Tin tức| 22/04/2017 15:09

Sáng 22-4, một cuộc gặp gỡ đối thoại đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã diễn ra sôi nổi và đầy hứng khởi tại thành phố biển Đà Nẵng.

Đây là lần thứ hai, người đứng đầu Chính phủ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đông đảo công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và truyền thông điệp của Thủ tướng với người lao động cả nước.

Hơn 2.000 công nhân của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, đại diện cho hàng vạn người lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã gửi gắm những băn khoăn, lo lắng trong quá trình lao động sản xuất đến người đứng đầu Chính phủ.

Đây cũng là hoạt động chính trong Tết Lao động, Tháng Công nhân 2017 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức với chủ đề “Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp: tăng năng suất lao động, thực hiện quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động”.

Ý chí của công nhân vun đắp sự phồn vinh của đất nước

Chia sẻ niềm vui với công nhân, người lao động các tỉnh miền Trung tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những cảm xúc đặc biệt từ cuộc trò chuyện với công nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại Đồng Nai dịp Tết Lao động 2016.

“Cảm xúc của ngày hôm đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Không chỉ là những tình cảm yêu quý tôi được đón nhận từ công nhân mà cái chính canh cánh trong lòng là trách nhiệm của tôi với công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng mong muốn được trao đổi với công nhân công nhân, người lao động các tỉnh miền Trung và cho rằng chính các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của công nhân chính là ý chí của công nhân, ý chí của hành động, của tiến công vun đắp sự phồn vinh và trường tồn của đất nước.

Nhắc đến yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ đã và tiếp tục sẽ có những chính sách đúng đắn, hiệu quả phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Quá trình này đòi hỏi chú trọng phát huy vai trò tổ chức Công đoàn để đóng góp tích cực trong xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Nhấn mạnh kỹ năng của người lao động là một bộ phận cấu thành của doanh nghiệp, Thủ tướng tin tưởng giai cấp công nhân Việt Nam luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và mong muốn các doanh nghiệp không chỉ tìm thấy người lao động là nguồn nhân lực mà còn nhận rõ, phát huy đầy đủ phẩm chất công nhân Việt Nam.

“Hãy quan tâm đến người lao động bằng giải pháp việc làm, lo bữa ăn với an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, đặc biệt là lo xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân, nhất là hỗ trợ nhà ở, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…”, Thủ tướng kêu gọi

Nhắn nhủ đến anh chị em công nhân, người lao động cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: Mỗi người lao động phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập, không ngừng rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, vì doanh nghiệp và vì đất nước.

Năng suất lao động liên quan đến tồn vong, phát triển của xã hội

Đúng 8h40 phút ngày 22-4, buổi đối thoại bắt đầu với câu hỏi đầu tiên của anh Trần Ngọc Thành, công nhân Công ty Cổ phần công nghiệp nhựa tại Đà Nẵng về nguyện vọng của công nhân mong muốn được nâng cao năng suất lao động.

“Doanh nghiệp cần có chính sách động viên công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Cháu nghĩ như vậy có đúng không? Thủ tướng giúp cháu đề nghị doanh nghiệp tạo điều kiện để mong muốn của công nhân thành hiện thực”, anh Trần Ngọc Thành đặt câu hỏi.

Khẳng định năng suất lao động là vấn đề quan trọng liên quan đến việc tồn vong, phát triển của xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế với các quốc gia, châu lục. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động cũng nhiều hơn, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác. Do đó, cạnh tranh về lao động sẽ gay gắt hơn.

“Chính phủ cũng sẽ có những chính sách tác động và hỗ trợ. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, về phía các bạn công nhân, mỗi người cũng phải đối diện với quy luật cạnh tranh, có nghĩa là phải cố gắng không ngừng để giỏi hơn, có ích hơn thì mình sẽ tồn tại”, Thủ tướng trả lời.

Khởi kiện người trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đồng cảm với mối quan tâm của chị Cao Thị Thắm, công nhân Công ty Rieker (Quảng Nam) về tình trạng một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, Thủ tướng nêu rõ, bảo hiểm xã hội là một trong ba trụ cột chính của vấn đề an sinh xã hội ở nước ta.

Chính vì vậy, sửa Luật Bảo hiểm xã hội thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh nhiều vấn đề; trong đó có việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có quyền thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện người trốn đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội ra tòa án. Những chế tài mạnh như vậy sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, Thủ tướng nhận định.

Hỗ trợ xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen tuyên dương công nhân lao động xuất sắc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Tại buổi đối thoại, Thủ tướng đã dành một phần quà đặc biệt cho chị Phan Thị Tuyết Sương, Công ty Điện máy Foster, Khu công nghiệp Hòa Cầm Đà Nẵng - một bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn phải đến buổi đối thoại với hai con nhỏ do không có người trông và thiếu chỗ ở đảm bảo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xuống tận dưới hội trường, thăm hỏi đời sống, việc làm, thu nhập của chị Sương và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao 1 căn nhà bằng Quỹ Tấm lòng vàng để chị Sương và các con của chị có nơi ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất.

Trả lời câu hỏi của chị Sương về Đề án xây dựng các thiết chế Công đoàn, Thủ tướng cho biết, hiện trong số 2,7 triệu lao động của 344 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước thì có hơn 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở nhưng mới chỉ 5 - 10% nhu cầu trên được đáp ứng. Vấn đề đặt ra là nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế, hỗ trợ pháp luật cho công nhân lao động hết sức bức thiết. Do đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án này, Thủ tướng nêu rõ.

Đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với Công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân, Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, đời sống công nhân được tốt hơn với mong muốn công nhân được lao động lâu dài tại doanh nghiệp, chung tay xây dựng đất nước.

Chứng kiến buổi đối thoại hết sức thiết thực và đầy xúc động giữa Thủ tướng và công nhân lao động miền Trung, một doanh nghiệp đã thông báo tặng cho Quỹ Tấm lòng vàng 1 tỷ đồng để phục vụ việc chăm lo đời sống công nhân, người lao động.

Cũng tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quà Mái ấm Công đoàn trị giá 1 tỷ đồng với 20 căn nhà cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Nhân dịp này, UBND Thành phố Đà Nẵng cũng trao 10 căn nhà Mái ấm Công đoàn tương đương 500 triệu đồng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà và Bằng khen cho 10 công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng tại buổi gặp gỡ đã diễn ra lễ ký kết giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với 8 doanh nghiệp về chăm lo phúc lợi, cung cấp hàng hóa, dịch vụ giá ưu đãi cho các đoàn viên công đoàn. Đại diện hãng viễn thông Mobifone cũng trao 40 tỷ đồng cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thực hiện cam kết chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Thiết chế công đoàn sẽ giúp công nhân 'an cư, lạc nghiệp'

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.