Khoa học - Công nghệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhằm xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái

Theo TTXVN 11/02/2025 - 20:01

Chủ trì Hội nghị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, được tổ chức chiều 11-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động toàn xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ thế giới

Những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó, thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực từng bước được hoàn thiện. Nhiều thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2023 đạt 37,6%, dự kiến giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 42%.

Ngành Nông nghiệp đã ứng dụng nhiều công nghệ cao giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu. Y tế và chăm sóc sức khỏe đã làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin và thiết bị y tế, phát triển kỹ thuật điều trị tiên tiến, nhất là ghép tạng. Quốc phòng, an ninh đã chủ động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các trang thiết bị; xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp dịch vụ về dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, biến dữ liệu thành tư liệu sản xuất quan trọng.

Chính phủ cũng chủ động thúc đẩy các ngành công nghệ cao mới nổi, phù hợp xu hướng của thế giới. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia. Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn như: Cadence, Intel, Qovor, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng đang dẫn dắt những thay đổi đột phá trên thế giới. Nhiều tập đoàn Microsoft, Google, Qualcomm, Meta tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Các tập đoàn trong nước như Viettel, VinGroup, FPT, CMC... cũng chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các dự án, hoạt động nghiên cứu, phát triển về AI.

Về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng hạng qua các năm. Năm 2024 đứng thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đang trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng, đã hình thành và phát triển nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn cao; có những mô hình liên kết 3 nhà hiệu quả; hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực được triển khai rộng khắp. Mạng lưới đổi mới sáng tạo được hình thành và quy tụ hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học toàn cầu.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số khó khăn, hạn chế, thách thức. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Trong đó, có đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt như chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, phục vụ phát triển công nghệ cao. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; có chính sách về tài chính ưu đãi vượt trội, thủ tục hành chính thông thoáng thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực.

Cùng với đó, có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ chế quản lý tài chính thông thoáng trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; cơ chế thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phát triển hạ tầng số vượt trội để thu hút đầu tư về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh hợp tác, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới vào đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, là cần có quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Chú thích ảnh
Đại diện tập đoàn Google phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại diện các tập đoàn công nghệ như: Google, Ndivia, Samsung... đánh giá cao tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị, cũng như môi trường phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Đồng thời, cam kết tham gia, hợp tác tích cực, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam trong triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tham gia phát triển dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; cung cấp các khóa học, chương trình đào tạo, cấp tài liệu, chương trình học miễn phí cho học sinh, sinh viên Việt Nam...

Các doanh nghiệp nước ngoài đề xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư trong ngành công nghệ cao. Cùng với đó có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, về nhà ở cho các chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài khi tham gia dự án công nghệ cao tại Việt Nam.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông phối hợp tổng hợp, đồng thời, đề xuất nội dung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong quá trình này. Vì phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; góp phần nâng cao năng suất lao động toàn xã hội, năng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng cho rằng, hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp, thực hiện 3 đột phá chiến lược, hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả... giúp đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và mong muốn hưởng thụ của người dân thì phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa được cao.

Nhắc các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TƯ, Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn xã hội để vấn đề này ngấm sâu vào tư tưởng, lời nói, hành động của từng cấp, từng ngành, từng người dân Việt Nam. Đồng thời, tổ chức ngay việc rà soát lại ở tất cả các cấp, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi, hoàn thành trong quý I và II-2025.

Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đẩy mạnh phát triển bao trùm, toàn diện các hạ tầng gồm: Hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thể thao, năng lượng, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí... Việc này cần gắn với xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa các nguồn lực, bao gồm: Nguồn lực trong nước, nguồn lực ngoài nước, nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực tư nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội, dưới các hình thức hợp tác công tư, nguồn vay, trái phiếu Chính phủ; có cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng chỉ đạo, phải đổi mới và đa dạng hóa đào tạo từ cấp phổ thông, đại học, trên đại học, đào tạo chuyên gia, chuyên môn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, bổ sung kiến thức, đào tạo trong nước, ngoài nước; có cơ chế cho đào tạo, thu hút nhân tài cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam. Đồng thời, tổ chức quản trị theo hướng thông minh, tối ưu hóa quản lý, xóa bỏ cơ chế xin - cho, thủ tục rườm rà; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, thực hiện hậu kiểm; song song với sự phát triển phải đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng cảm ơn các tập đoàn công nghệ nước ngoài đã đầu tư và tham gia các quá trình phát triển, đảm bảo an sinh xã hội tại Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi nhằm xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu để thu hút chất xám toàn thế giới trên mọi lĩnh vực phục vụ phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học phải hợp tác chặt chẽ với nhau, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Nhưng phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, hợp tác hiệu quả, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán”, “phân công rõ người, rõ việc, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả cụ thể”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhằm xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.