Ngày 7-2, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự thảo chương trình giáo sư thỉnh giảng tại đại học (ĐH) này.
Mở đầu tại buổi toạ đàm về dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban Ban Thanh tra - Pháp chế (ĐH Quốc gia thành phố) đã trình bày các điểm mới của dự thảo Luật và các chính sách được khuyến khích đối với các có sở giáo dục ĐH, tổ chức khoa học và công nghệ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học của ĐH Quốc gia thành phố đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật với mong muốn và kỳ vọng Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học.
Theo đó, một số ý kiến cho rằng chưa thấy rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường ĐH được thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường ĐH, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển R&D từ trường ĐH.
Dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào: Ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực để thu hút nhân tài.
Ngoài ra, Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc ĐH.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng có ý kiến về tên gọi của Luật. Theo PGS.TS Phan Bảo Ngọc (Trường ĐH Quốc tế), tên dự thảo Luật cần bỏ cụm “đổi mới sáng tạo” vì đổi mới và sáng tạo là một quá trình của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Ông Ngọc cũng lưu ý, dự thảo Luật cần có các điều khoản liên quan chiến lược trọng điểm của quốc gia về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao, vật liệu... để làm cơ sở pháp lý cho sự phát triển.
GS.TS Nguyễn Thị Cành (Trường ĐH Kinh tế - Luật) cho rằng, các quy định về tài chính và đầu tư cho khoa học và công nghệ theo Chương IV của dự thảo Luật chỉ mới đề cập chi ngân sách cho khoa học và công nghệ tối thiểu 2% ngân sách nhà nước, song chưa bao quát bình quân đầu tư cho khoa học và công nghệ từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia? Trong đó, nguồn từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu, nguồn từ huy động xã hội ngoài nhà nước là bao nhiêu? Từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ (ĐH Quốc gia thành phố), công bố chương trình GS thỉnh giảng tại ĐH này. Chương trình nhằm thu hút, đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Quốc gia thành phố.
Chương trình đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 GS thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030. Trong đó, riêng các năm 2025 và 2026 mời và bổ nhiệm được 50 GS.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia thành phố thông tin, những cá nhân được mời tham gia chương trình sẽ là các GS, PGS, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật, đang công tác tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ trên thế giới…
Đặc biệt, chương trình ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh học, chip - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu, năng lượng mới, logistics mới…
ĐH Quốc gia thành phố sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển từ tháng 3-2025 và tổ chức Hội đồng xét duyệt kỹ lưỡng dựa trên tiêu chí năng lực và thành tích khoa học. Dự kiến, các quyết định bổ nhiệm sẽ được công bố vào tháng 5-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.