Chiều 13-5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên các y, bác sĩ, điều dưỡng viên tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và BV Chợ Rẫy. Họ là những chiến sĩ đang hy sinh và kiên cường ở tuyến đầu chống dịch vì sức khỏe nhân dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Báo cáo Thủ tướng, đại diện BV Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày, BV khám cho khoảng 7.000 lượt bệnh nhân, 1.000 người điều trị, khoảng 14.000 lượt người vào BV, do đó, BV đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. BV cũng đã có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo trong phòng, chống dịch.
Đại diện lãnh đạo BV Chợ Rẫy báo cáo cụ thể về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khám, chữa bệnh cho nhân dân; khẳng định luôn cảnh giác cao độ với nhiều biện pháp, như quản lý người chăm sóc bệnh nhân bằng dấu vân tay và những người này đã được sàng lọc dịch tễ từ đầu. Qua kiểm tra đột xuất, BV đã đình chỉ 2 kíp trực vì để người không đăng ký dấu vân tay vào bên trong.
BV cũng thực hiện vai trò của BV tuyến cuối, thời gian qua, đã nỗ lực chi viện cho các tỉnh phòng, chống dịch, trong đó, mới đây nhất, đã cùng địa phương hoàn thành BV dã chiến tại Hà Tiên (Kiên Giang) theo chỉ đạo khẩn của Thủ tướng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu, kết quả mà hai BV đạt được trong thời gian qua, đồng thời gợi mở một số vấn đề để hai BV tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Tại BV Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đánh giá cao mô hình tự chủ, xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh và đề nghị BV xây dựng cơ chế để có cơ sở phát triển ngày càng mạnh mẽ, có uy tín và thương hiệu, không lơ là nhiệm vụ chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân, coi đây là mục tiêu cao nhất.
Thủ tướng đánh giá, BV Chợ Rẫy là một trong những BV lâu đời nhất cả nước với 120 năm hình thành và phát triển, có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, với vai trò là bệnh viện tuyến cuối của phía Nam, BV đã rất nhạy bén trong tiếp cận những thành tựu y học hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng gợi ý phương châm lấy bệnh nhân làm trung tâm, cơ sở khám, chữa bệnh là nền tảng, lấy thầy thuốc làm động lực, truyền niềm tin cho người bệnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn lực lượng y tế cả nước đã hết sức trách nhiệm, thể hiện cao độ lòng yêu nước, tinh thần hết lòng cứu chữa người bệnh, “thầy thuốc như mẹ hiền” như lời dạy của Bác Hồ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi 3 đợt dịch trước và đang góp phần rất hiệu quả trong kiểm soát đợt dịch lần thứ tư.
Thủ tướng phân tích, đợt dịch lần này bùng phát do nhiều nguyên nhân, như chủng vi rút mới lây lan nhanh, khó kiểm soát, nguy hiểm hơn, chạy chữa khó hơn, dễ gây tử vong hơn. Cùng với đó là áp lực dịch bệnh từ các nước xung quanh, tác động rất lớn tới chúng ta.
Một nguyên nhân khác là sau thành công của 3 đợt chống dịch lần trước, đã xuất hiện tư tưởng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác ở một số cơ quan, đơn vị và một số người dân, cùng với kỳ nghỉ lễ kéo dài, lượng người đi du lịch, giao lưu rất lớn. Thủ tướng cũng lưu ý việc lây lan dịch bệnh tại một số khu công nghiệp; tình trạng nhập cảnh trái phép, quản lý lỏng lẻo ở khu cách ly và sau cách ly.
Ngoài ra, chúng ta chưa khen thưởng kịp thời, chưa xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm trong 3 đợt dịch trước, nên dẫn tới tình trạng nhiều nơi chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hay trông chờ, ỷ lại, đến khi có dịch lại hốt hoảng, mất bình tĩnh. Cần chấn chỉnh, chấm dứt, tuyệt đối tránh tình trạng này.
Thủ tướng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, vai trò của nhân dân, chúng ta đã làm tốt công tác chống dịch, được thế giới đánh giá rất cao. Đến giờ này, chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình so với các nước xung quanh.
“Các lực lượng trên tuyến đầu, các y, bác sĩ có đóng góp rất tích cực, quan trọng, hiệu quả, có tính chất quyết định trong phòng, chống và khắc phục hậu quả đại dịch; cùng với đó là sự vào cuộc của các lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác. Chúng ta chịu hy sinh, gian khổ để phục vụ nhân dân, Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và rất biết ơn đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, người lao động ngành Y tế”, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục làm tốt hơn, quyết liệt hơn.
Thủ tướng khẳng định, trong tư tưởng chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia và sự lưu ý của Chủ tịch nước, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của nhân dân, của quốc gia, của dân tộc là trên hết, trước hết, không vì phát triển kinh tế mà hy sinh sức khỏe của nhân dân. Đồng thời, phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống khắc phục hậu quả dịch bệnh với phát triển kinh tế - xã hội. Trong phòng, chống dịch, phải hài hòa giữa tấn công và phòng ngự, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, lấy tấn công là chính.
Phân tích cụ thể hơn, rõ hơn về chủ động tấn công trong phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng nêu, muốn tấn công thì phải phòng ngự tốt, phòng ngự từ xa, từ sớm, từ trước; hài hòa giữa phòng ngự và tấn công.
Cùng với đó, tăng cường xét nghiệm trên diện rộng ở những nơi đủ điều kiện, huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội cho công tác này. Từ đó, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình.
Chủ động tấn công còn là tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là địa phương với phương châm: “Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, đưa ra quyết định thông minh nhất. Cùng với đó, xây dựng kịch bản ứng phó với mọi hình huống có thể xảy ra tại các địa phương. Tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế, các BV dã chiến. Phải đẩy mạnh hơn nữa việc tìm kiếm nguồn cung, mua vắc xin, tiêm vắc xin, kể cả mua bản quyền, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.
“Huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, ưu tiên cao nhất, bằng mọi biện pháp để mua vắc xin và sản xuất vắc xin phục vụ người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa.
Biểu dương công tác phòng, chống dịch tại hai BV và tri ân sự hy sinh và đóng góp của các y, bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua, song Thủ tướng cũng lưu ý ngành Y tế chấn chỉnh, khắc phục ngay những hiện tượng chủ quan, lơ là mất cảnh giác tại một số cơ sở y tế, tuyệt đối không để xảy ra dịch ở nơi chống dịch. Thủ tướng yêu cầu các BV chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, phân cấp, điều động của thành phố và các cấp chính quyền.
Dịch bệnh được dự báo hết sức phức tạp, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành các tiêu chí xác định các mức nguy cơ kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất đối với từng mức nguy cơ, để trên cơ sở đó, chính quyền các cấp xác định, quyết định phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn và có cơ sở thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá.
“Nói thế không có nghĩa là Đảng, Nhà nước, Chính phủ đứng ngoài cuộc, nhưng phân cấp mạnh mẽ để huy động nguồn lực toàn xã hội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cho công tác ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một lần nữa, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, sự hy sinh, gian khổ của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, dược sĩ, người lao động ngành Y tế, tất cả vì người bệnh thân yêu, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, nhất là trong thời gian đại dịch bùng phát.
Thủ tướng mong đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, người lao động ngành Y tế tiếp tục vững vàng, mạnh mẽ, kiên cường, cùng toàn Đảng, toàn dân và cả nước ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, thực hiện mục tiêu kép, tất cả vì sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.