Sáng 26-11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Dự hội nghị còn có Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ban Chỉ đạo, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội có 44 cơ chế, chính sách thuộc 7 nhóm lĩnh vực. Trong đó có 27 chính sách mới, đặc thù, áp dụng riêng cho thành phố Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và thành phố Thủ Đức.
Ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 98/2023/QH15, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt; thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc khẩn trương, toàn diện, tích cực và nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan Trung ương. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã triển khai 20 nhiệm vụ cụ thể. Các bộ, ngành đã và đang trình để Chính phủ ban hành 3 Nghị quyết, 2 Quyết định.
UBND thành phố đã ban hành 1 Quyết định và tham mưu HĐND ban hành 6 Nghị quyết nhằm triển khai các chính sách được giao liên quan về huy động, sử dụng nguồn lực; tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các nhiệm vụ khác như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500ha, các chính sách tại thành phố Thủ Đức…
Tại hội nghị, thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sớm có cơ chế, chính sách cho một số công trình, dự án lớn của thành phố; việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các tuyến giao thông kết nối; chính sách ưu đãi để thành phố khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại xã, thị trấn và phường; phân cấp cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cấp quận, huyện; chính sách về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà…
Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát tình hình triển khai các các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo giao triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15; đặc biệt là những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò quan trọng; có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và không gian phát triển lớn. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho thành phố còn hạn hẹp. Do đó, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có các Nghị quyết nhằm tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 phải bám sát, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Sau hơn 4 tháng triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, tư duy, nhận thức, cách tiếp cận về phát triển thành phố Hồ Chí Minh được đổi mới, nâng lên, góp phần tạo động lực, tạo niềm tin về phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan và thành phố Hồ Chí Minh tự tin hơn trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố. Các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 ban đầu được triển khai tích cực, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số bộ, ngành tư tưởng chưa thông, cách tiếp cận chưa đúng, cần chủ động, mạnh mẽ hơn nữa; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và thành phố cần chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn; cách giải quyết các vấn đề vướng mắc cần được đặt ở mức độ bao trùm, bao quát, quyết tâm, quyết liệt hơn.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.
Ban Chỉ đạo tăng cường sự phối hợp, gắn kết, chia sẻ thông tin kịp thời giữa các bộ, ngành, HĐND, UBND thành phố, tập trung những nội dung ưu tiên, những vấn đề quan trọng và các giải pháp liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; chủ động xây dựng các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của thành phố và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù theo thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho thành phố; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố, nhằm tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố; sớm nghiên cứu xây dựng văn bản trình Chính phủ cho phép mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND thành phố so với các quy định hiện hành.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành phải khẩn trương xem xét và trình Chính phủ xem xét, quyết định, trên tinh thần chính sách phải bám sát tình hình thực tiễn, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền; cơ chế, chính sách dành cho thành phố Hồ Chí Minh phải cao hơn, có tính đặc thù, đột phá và mạnh dạn thí điểm theo đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thông thoáng cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT và quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.
Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của thành phố. Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ cho chủ trương xây dựng Nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho thành phố.
Về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 461/TB-VPCP ngày 8-11-2023 nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, hoàn thành và trình Chính phủ trước ngày 31-12-2023.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lấy ý kiến rộng rãi, nghiên cứu, xem xét bổ sung quy hoạch xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc áp dụng chuẩn nghèo của thành phố...
Về vốn cơ chế ngân sách cho các công trình, dự án lớn, Thủ tướng Chính phủ giao thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn một số dự án trọng điểm đề xuất để thực hiện. Các bộ, ngành hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh trong sắp xếp các nguồn vốn thực hiện dự án đường sắt đô thị; thúc đẩy thực hiện các dự án kết nối vùng như mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện thí điểm cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng sàn giao dịch mua - bán chứng chỉ carbon tại thành phố. Đặc biệt, cho rằng sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng, thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái sông Sài Gòn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.