Trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản trước thềm chuyến thăm chính thức nước này từ ngày 4 đến 8-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn “làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm xây dựng quan hệ gần gũi hơn nữa với Nhật Bản, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi mức đầu tư và kim ngạch thương mại song phương.
Trong bài viết “Thủ tướng Việt Nam: Hợp tác để thực thi TPP,” báo Nikkei sáng 3-6 dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định gắn kết kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với ý nghĩa cùng nhau phát triển, vì vậy đây là một hiệp định cực kỳ quan trọng.
Trên cơ sở đánh giá về hướng đi tương lai của TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này, Việt Nam cho rằng có khả năng xúc tiến giải pháp mà Nhật Bản đề xuất, theo đó tiếp tục theo đuổi TPP với 11 thành viên mà không có Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao nỗ lực của Nhật Bản trong việc xúc tiến tìm giải pháp cho vấn đề này.
Theo hãng thông tấn Jiji, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “duy trì hợp tác chặt chẽ với các nước tham gia TPP, trong đó trước tiên là Nhật Bản.” Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy để TPP sớm có hiệu lực tại các nước thành viên tham gia ký kết.
Về vấn đề tăng cường thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng trong thời đại số hóa, những kỹ thuật mới trở thành chìa khóa để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thủ tướng Việt Nam nêu lên một số ví dụ về du lịch, nhà máy, nông nghiệp mà Nhật Bản đã vận dụng công nghệ thông tin, thành phố thông minh (Smart City).
Trong khi đó, bản tin trên website của Đài truyền hình NHK ngày 3-6 cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hoan nghênh việc các nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, thể hiện trách nhiệm, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hãng thông tấn Jjji cũng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Theo kế hoạch, trong chuyến thăm Nhật Bản 5 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến gặp Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.