Tiếp tục chương trình các Hội nghị Cấp cao ASEAN liên quan đang diễn ra tại Thủ đô Ban-đa Sê-ri Bê-ga-oan, Brunây, sáng 10/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3.
Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao hiệu quả hợp tác ASEAN+3 thời gian qua |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, lãnh đạo các nước ASEAN và 3 nước Đối tác Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả hợp tác ASEAN+3 thời gian qua; tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên thực hiện các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư và tài chính; triển khai Lộ trình mới về Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á và Sáng kiến Phát triển Trái phiếu Tài chính Hạ tầng; đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nhân dịp này, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch công tác ASEAN+3 sửa đổi đến 2017; quyết định sớm triển khai Đối tác ASEAN+3 về Kết nối, bao gồm cả việc xem xét lập Quĩ tài chính ASEAN+3 về Kết nối hạ tầng khu vực; tiếp tục mở rộng Sáng kiến Chiềng Mai. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã quyết định đẩy hợp tác về an ninh, chính trị và ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; trong đó có hợp tác về bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh và an toàn lượng thực, môi trường, ứng phó với thảm họa thiên nhiên, phát triển bền vững, y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thông tin và truyền thông, giao lưu nhân dân…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Sin-zô A-bê và Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 16.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với những đánh giá về sự phát triển và những thành tựu tích cực của hợp tác ASEAN+3 trong thời gian qua, đặc biệt thông qua thực hiện Kế hoạch Công tác ASEAN+3. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, kim ngạch thương mại giữa ASEAN và các nước +3 năm 2012 vẫn tăng 5%, đạt 712 tỷ USD. Tỷ trọng thương mại của 3 nước Đông Bắc Á chiếm 28,8% kim ngạch thương mại của ASEAN và đầu tư trực tiếp vào ASEAN cũng tăng 6,6% đạt 46,7 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng đầu tư nước ngoài vào ASEAN. Hợp tác kinh tế vĩ mô cũng được củng cố và thúc đẩy thông qua mở rộng quy mô Sáng kiến Chiềng Mai, Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những kết quả trên khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác ASEAN+3 là một trong những cơ chế khu vực năng động và hiệu quả nhất, tạo động lực thúc đẩy hợp tác và liên kết Đông Á, góp phần xử lý hiệu quả nhiều thách thức, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Thủ tướng đánh giá cao cam kết của các nước +3 tiếp tục hợp tác hiệu quả với ASEAN, hỗ trợ ASEAN thực hiện các mục tiêu trọng tâm về xây dựng cộng đồng, triển khai liên kết và kết nối, cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Thủ tướng khẳng định, việc định hình cấu trúc khu vực đang mang tới cả những cơ hội và thách thức mới cho các nước. Trong bối cảnh đó, cần phát huy các nguyên tắc cơ bản và triển khai cụ thể các định hướng hợp tác lớn được nêu trong Tuyên bố Cấp cao kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3, nhằm đưa hợp tác ASEAN +3 đi vào chiều sâu và thực chất hơn, đặt nền tảng vật chất cho cộng đồng ở Đông Á trong tương lai.
Để đạt được điều này, Thủ tướng đề nghị tập trung vào một số trọng tâm hợp tác:
Cần tập trung củng cố hợp tác toàn diện và hiệu quả trên cơ sở các kế hoạch và chương trình hành động đã có; nhất trí thông qua và tập trung nguồn lực để triển khai Kế hoạch Công tác Hợp tác ASEAN+3 sửa đổi cho giai đoạn 2013 - 2017. Hoan nghênh và ủng hộ quyết định đóng góp bổ sung cho Quỹ Hợp tác ASEAN+3 để hỗ trợ triển khai hiệu quả hơn các dự án hợp tác. Đồng thời, cần sớm hoàn tất báo cáo rà soát các khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn Đông Á II và xây dựng kế hoạch triển khai nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực.
Cần đẩy mạnh quá trình liên kết kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo cơ sở thiết lập FTA khu vực Đông Á trong tương lai. Theo đó, cần đẩy mạnh đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo đúng lộ trình vào năm 2015. Đi đôi với quá trình này, cần phát huy hơn nữa vai trò hiệu quả và sự gắn kết của các FTA+1 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các sáng kiến FTA khác trong khu vực; tăng cường hợp tác phát triển và kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), gia tăng quảng bá và khuyến khích doanh nghiệp tận dụng các cơ hội và thuận lợi mà các FTA đem lại.
Các nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác ổn định tài chính vĩ mô thông qua triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai, thực hiện toàn diện Kế hoạch Công tác triển khai Lộ trình mở rộng Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á, và Quỹ Đầu tư Bảo đảm Tín dụng; đẩy mạnh phối hợp xây dựng các chính sách tài chính và tiền tệ trong khu vực, tạo hiệu quả chính sách có lợi cho tất cả các nước trong các lĩnh vực này.
Tăng cường hơn nữa hợp tác kết nối trong khuôn khổ ASEAN+3, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, giao thông, giao lưu nhân dân, học thuật và thu hẹp khoảng cách phát triển, thông qua triển khai hiệu quả và toàn diện Tuyên bố về Quan hệ Đối tác ASEAN+3 về Kết nối, và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, tạo cơ sở cho mở rộng liên kết và kết nối ở khu vực Đông Á.
Cùng nhau đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu như: an ninh năng lượng và lương thực, phòng chống dịch bệnh, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu…, quản lý các nguồn tài nguyên nước cũng như thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như: giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục, du lịch… nhằm nâng cao sự hiểu biết và lòng tin của người dân về hợp tác ASEAN+3. Theo đó, cần phát huy hơn nữa vai trò và sự phối hợp của ba trung tâm ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc và ASEAN - Nhật Bản nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nỗ lực trên, và sớm hoàn tất việc ký kết thỏa thuận về hợp tác du lịch ASEAN+3.
Cần đẩy mạnh hợp tác an ninh - chính trị nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy, bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải; cùng nhau ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, cướp biển…, đồng thời chung tay xây dựng các chuẩn mực ứng xử và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển chung ở khu vực./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.