Trưa 14-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, một trong 5 thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), liên minh có FTA với Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng chuyến thăm của ông Nurlan Nigmatulin sẽ mở ra chương mới cho quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Kazakhstan tiếp tục phát triển tốt đẹp. Quan hệ chính trị, đối ngoại giữa hai nước được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn quan tâm và vui mừng trước những thành tựu Kazakhstan đạt được trong thời gian gần đây, đó là việc chuyển giao thành công quyền lãnh đạo đất nước, ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa Kazakhstan vào TOP 30 nước phát triển của thế giới vào năm 2050.
Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin cho biết ông cảm nhận được tình cảm thân thiết ngay từ khi đặt chân đến Việt Nam; bày tỏ coi đây là cơ hội hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và hữu nghị hai nước. Ông Nurlan Nigmatulin chúc mừng Việt Nam về những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Điều đó cho phép Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Trong kết quả đó có sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam.
Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin nêu rõ hai nước có quá trình phát triển kinh tế khá tương đồng; Việt Nam là đối tác quan trọng của Kazakhstan ở Đông Nam Á. Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan Nazarbayev đã khẳng định coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam và Tổng thống đương nhiệm Tokayev đã kế thừa điều đó.
Ông Nurlan Nigmatulin cho biết ông và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa có cuộc hội đàm thành công, theo đó, Quốc hội hai bên sẽ tạo điều kiện hết sức thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Trong bối cảnh đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việt Nam đã đi vào lịch sử khi là nước đầu tiên ký FTA với Liên minh. Theo sau Việt Nam, nhiều nước đã ký FTA và 40 nước khác đang đàm phán với Liên minh.
Đề cập quan hệ hai nước, ông cho rằng quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh thời gian qua nhưng thực tế, hai bên còn rất nhiều tiềm năng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông, logistics và du lịch. Các doanh nghiệp hai nước ngày càng quan tâm, bày tỏ nhu cầu hợp tác rất lớn. Ông trân trọng mời các đối tác Việt Nam tham gia làm ăn, hợp tác tại Kazakhstan.
Ông được biết Chính phủ Việt Nam đang phát triển một số chương trình về chiến lược phát triển công nghiệp, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng và quảng bá thương hiệu Việt Nam. Kazakhstan cũng đang triển khai một loạt biện pháp chiến lược. Vừa qua, Kazakhstan đã áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam trong vòng 30 ngày và mong Việt Nam sớm có biện pháp tương tự. Việc hai bên thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước có tác dụng thiết thực thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư, là cầu nối cho doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy giao lưu nhân dân, du lịch phát triển.
Ông Nurlan Nigmatulin khẳng định mọi vấn đề liên quan đến Việt Nam đều được Hạ viện Kazakhstan xem xét và giải quyết với sự ưu tiên cao nhất.
Cảm ơn các ý kiến tốt đẹp của Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, hai bên tích cực duy trì trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao, góp phần củng cố sự tin cậy và hiếu biết, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Việt Nam mong muốn Kazakhstan tích cục ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đàm phán ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thủ tướng đánh giá quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Việc triển khai FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu năm 2016 đem lại những chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt hơn 200 triệu USD, năm 2018 đạt 268 triệu USD và khả năng năm nay sẽ vượt năm 2018.
Thủ tướng đề nghị, hai bên đánh giá thực chất kết quả triển khai FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, rút kinh nghiệm và đề ra những biện pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định; tranh thủ những ưu đãi thuế quan mà Hiệp định đem lại đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa hai nước. Tích cực thúc đẩy triển khai các kết quả đạt được của khóa họp lần thứ chín vừa qua của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan họp tại Nursultan.
Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn doanh nghiệp, tổ chức hội chợ, triển lãm, diễn đàn doanh nghiệp ở cả hai nước; thúc đẩy hợp tác đầu tư. Ngoài ra, hai bên cần quan tâm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học - kỹ thuật, văn hóa thể thao, du lịch nhằm đạt hiệu quả thực chất, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Cho biết lĩnh vực hàng không ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Cảm ơn ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin khẳng định, Quốc hội Kazakhstan sẽ ưu tiên, hỗ trợ pháp lý hết sức để tạo kết nối thương mại hai bên, nhất là kết nối đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc đến Kazakhstan và châu Âu; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai bên tham gia tích cực FTA giữa Việt Nam và Liên minh.
Cho biết môi trường đầu tư hấp dẫn, vị trí địa chính trị của Kazakhstan hết sức quan trọng, ông bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các liên doanh sản xuất của hai nước tại Kazakhstan sẽ hết sức thuận lợi trong thâm nhập thị trường châu Âu.
Bày tỏ ấn tượng việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan khẳng định hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đây cũng là điều thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.