Chiều 5-4, tại TP Cần Thơ, làm việc với lãnh đạo các địa phương nhân dịp về dự mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2019, Thủ tướng cho rằng đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất đối với ĐBSCL...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương Nam Bộ.
Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các bộ phát biểu, nêu rõ “trách nhiệm của các bộ trong kết nối, tổ chức sản xuất như thế nào, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng”. Theo Thủ tướng, điều mà các địa phương muốn nghe nhiều nhất là kết nối giao thông, các công trình giao thông, về việc thực hiện lời hứa của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng như của Chính phủ đối với đồng bào các tỉnh Nam Bộ, trước hết là vùng ĐBSCL về vấn đề này.
Báo cáo về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với tuyến cao tốc phía Đông từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ-Cà Mau, đoạn TP Hồ Chí Minh-Trung Lương đã hoàn thành năm 2010; còn đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận đang triển khai thi công. Bộ trưởng khẳng định, sẽ phấn đấu thông tuyến sớm nhất, cố gắng vào cuối năm 2020 và sau đó triển khai tuyến Cần Thơ-Cà Mau.
Về cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo triển khai, phấn đấu khởi công xây dựng trong quý III-2019, hoàn thành năm 2023.
Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL.
Ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT, Thủ tướng cho biết, những gì Bộ GTVT kiến nghị về tuyến đường Trung Lương-Mỹ Thuận thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều giải quyết hết cũng như đối với kiến nghị về các tuyến giao thông khác, để làm sao đáp ứng nguyện vọng của 20 triệu người dân ĐBSCL, một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đến nay đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Các bộ, ngành, địa phương trong vùng đã bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng có nhiều cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong vùng, có địa phương Thủ tướng làm việc tới 3 lần.
Trước sự quan tâm của địa phương đối với dự thảo Nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tuần tới, Thường trực Chính phủ sẽ họp xem xét Nghị định này để sớm ban hành. Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch cũng sẽ sớm được xem xét, để tháo gỡ cho các địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị các tỉnh tập trung mạnh mẽ cải cách hành chính, khi hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn về vấn đề này ở các địa phương. “Chúng ta có 15 cảng biển và 35 cảng sông, tư nhân muốn vào đầu tư nhưng rất vướng thủ tục. Nhiều tỉnh rất năng động nhưng lại vướng về cơ chế”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Lãnh đạo các địa phương cho rằng một điểm nghẽn lớn trong phát triển ĐBSCL là hạ tầng, trong đó có kết nối đường bộ giữa các tỉnh ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, khi mà cứ dịp lễ, tết, các tuyến đường nối với TP Hồ Chí Minh đều tắc nghẽn. Các tỉnh rất trông mong dự án tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hoàn thành.
Nhận bàn giao quản lý dự án từ Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, việc hoàn thành dự án vào cuối năm 2020 là áp lực rất lớn với tỉnh và nhà đầu tư. Vấn đề lớn hiện nay là việc xử lý nền đất yếu. Tỉnh cam kết đẩy nhanh tiến độ và mong các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ.
Cho rằng đây là cuộc làm việc tốt để trao đổi thông tin nhiều chiều, để cùng đưa ra giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhìn nhận bộ mặt ĐBSCL có sự thay đổi lớn. Nhiều công trình giao thông được xây dựng. Nhiều địa phương trong vùng năng động, sáng tạo, quyết liệt trong phát triển với nhiều mô hình. Xuất khẩu nông sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam là phần lớn từ ĐBSCL.
Vấn đề quan trọng là không được chủ quan, phải có ý chí mạnh mẽ hơn, có tầm nhìn, giải pháp tốt hơn để đưa vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề này phát triển, Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải đưa vùng đất phương Nam và đời sống của 20 triệu dân ĐBSCL thay đổi mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng nêu rõ trong các đột phá thì đột phá về hạ tầng là quan trọng. Hạ tầng không chỉ là cầu cống, đường sá, sân bay mà bao gồm cả hạ tầng xã hội với trường học, y tế, thiết chế văn hóa cho người dân. Đặc biệt là cần phát triển mạnh mẽ hạ tầng thông minh như hạ tầng số.
Nhấn mạnh việc ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ - CP về vấn đề này trong tháng 5 tới.
Nhiều nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Israel, Hà Lan nhưng kinh tế-xã hội vẫn phát triển, đời sống người dân được cải thiện do họ thích ứng trong mô hình phát triển. Vì vậy, cần nghiên cứu các mô hình phát triển, thích ứng để phát triển ĐBSCL. Một câu hỏi đặt ra cho từng cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp là chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu, làm gì hiệu quả hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu. Điều rất quan trọng là cần nâng cao giá trị sản phẩm, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng cứng đối với ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ, “hôm nay, Bộ trưởng Bộ GTVT đã công bố chương trình phát triển GTVT ở ĐBSCL, tuy nhiên còn điểm này, điểm khác cần điều chỉnh, nhưng có thể nói đó là một cam kết của Chính phủ, của Bộ GTVT trước 20 triệu người dân ĐBSCL về vấn đề hạ tầng ở đây". Thủ tướng nhấn mạnh cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021. Đây là lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT, của Chính phủ. Chính phủ sẽ giải quyết đầy đủ các điều kiện về cơ chế chính sách, về kinh phí và chỉ yêu cầu tổ chức thực hiện cho nghiêm túc.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhấn mạnh liên kết vùng và tiểu vùng ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ không có nơi nào có điều kiện liên kết vùng tốt như ĐBSCL. Chúng ta phải tổ chức lại để phát huy sức mạnh của từng địa phương. Cần kết nối vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh theo tinh thần “ĐBSCL phát triển thì TP Hồ Chí Minh phát triển, ngược lại, TP Hồ Chí Minh phát triển có đóng góp của các tỉnh ĐBSCL”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.