Sáng 19/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đề nghị với điều kiện, vị trí trọng điểm của vùng kinh tế phía Bắc, Hải Phòng phải có mức tăng trưởng cao hơn, tốt hơn cả về chất lượng, số lượng và môi trường, phải toàn diện cả về kinh tế - quốc phòng an ninh để góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước.
Tổng quan tình hình kinh tế-xã hội của thành phố cảng Hải Phòng cho thấy, 9 tháng đầu năm 2016 là khoảng thời gian tình hình kinh tế-xã hội của thành phố đạt kết quả khả quan nhất kể từ năm 2010 đến nay với chỉ số GRDP tăng 0,58%, cao nhất trong 7 năm qua. Tổng thu ngân sách của Hải Phòng 9 tháng đạt 43.365 tỷ đồng, tăng rất cao (42,3% so với năm 2015), đạt 100% dự toán so với trung ương giao. Ấn tượng nhất là việc thu hút đầu tư FDI của Hải Phòng thời gian này đạt 2,66 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, đưa Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này. Không chỉ có nguồn vốn FDI, đầu tư của doanh nghiệp trong nước đổ vào thành phố Cảng Hải Phòng hơn nửa đầu năm 2016 cũng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng với nhiều dự án quy mô lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng. Những chỉ số khả quan của Hải Phòng có được nhờ phần quan trọng vào kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay đang dần được hoàn thiện của thành phố, nhất là trục cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào vận hành đã tăng tính kết nối giữa thành phố với cả nước và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Vấn đề được coi là bất cập ở Hải Phòng nằm trong bảng cân đối thu chi ngân sách. Mặc dù tổng nguồn thu lớn, nhưng chi ngân sách của địa phương rất thấp. Năm 2015, tổng chi ngân sách toàn thành phố chỉ là 15.485 tỷ đồng, trong đó, đầu tư xây dựng là 1.063 tỷ đồng. Vì vậy, nguồn lực để đầu tư cho phát triển không đáp ứng được yêu cầu. Trước thực trạng này, ngay tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các sở tài chính, kế hoạch và đầu tư của thành phố giải trình, nếu có vướng mắc về thể chế thì kiến nghị các nội dung cụ thể để Trung ương sửa đổi, hoàn thiện, tạo cơ chế thông thoáng để tháo gỡ những điểm nghẽn, giúp Hải Phòng phát triển nhanh, toàn diện hơn.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều dành những đánh giá tích cực trước thành quả kinh tế-xã hội của thành phố; cho rằng Hải Phòng đã có những bước đột phá mạnh mẽ và có thể trở thành địa phương dẫn đầu, về đích trước các tỉnh thành phố khác trong nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016. Tuy nhiên, các cơ quan trung ương cũng chỉ ra rằng, Hải Phòng còn nhiều dự địa kinh tế để tăng trưởng nhưng thành phố cần xác định lĩnh vực chuyên ngành, vượt trội để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển. Các ý kiến đề nghị Hải Phòng mở rộng không gian quy hoạch cho xứng tầm quy mô phát triển mới bằng chính nguồn nội lực dồi dào của doanh nghiệp và người dân thành phố Hoa phượng đỏ.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vị trí trọng điểm của vùng kinh tế phía Bắc của Hải Phòng với những lợi thế ưu việt mà các tỉnh, thành khác không có được như: Là một trong hai cảng biển quốc tế lớn nhất cả nước, đầu mối phân phối hàng hóa và là động lực tăng trưởng của cả vùng kinh tế phía Bắc. Giữ vị trí chiến lược nằm trong hai hành lang, một vành đai kinh tế, kết nối với Trung Quốc. Hải Phòng còn có một đầu mối giao thông tương đối hoàn chỉnh, là điều kiện vượt trội để tăng tốc phát triển kinh tế của địa phương; đặc biệt thành phố biển này còn sở hữu một hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch. Cũng bởi đặc thù cảng biển quốc tế, Hải Phòng cũng là địa phương tiên phong của cả nước trong hội nhập và phát triển, là cửa ngõ hội nhập của đất nước.
Từ tiềm năng lợi thế đó, Hải Phòng phải có khát vọng phát triển, phải trở thành thành phố cạnh tranh, thông minh, phát triển nhanh hơn, có khả năng kết nối tốt và phải có môi trường sống tốt, Thủ tướng nhấn mạnh.
Biểu dương Hải Phòng về kết quả kinh tế-xã hội nhất là tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội với mức trợ cấp cao gấp 4 lần các địa phương khác, song, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế mà thành phố cần khắc phục trong thời gian tới như: Tăng trưởng kinh tế từ năng lực sản xuất nội tại chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng; sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế; nhu cầu đầu tư phát triển lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu.
Giao nhiệm vụ cho thành phố trong quý IV 2016 và năm 2017, Thủ tướng cho biết, năm 2017 là năm rất vất vả của nền kinh tế đất nước vì là năm phải trả nợ, Thủ tướng đề nghị Hải Phòng, Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và những thành phố lớn khác phải đồng cam cộng khổ cùng cả nước để hoàn thành nhiệm vụ chung. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền Hải Phòng tập trung triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Chính phủ và Đảng bộ thành phố về kinh tế-xã hội một cách quyết liệt hơn, phấn trở thành đầu tầu kinh tế quan trọng để kéo đẩy kinh tế các địa phương trong cả nước.
Tinh thần này phải được quán triệt đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện của Hải Phòng để nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp để có những ý tưởng kinh doanh tốt, hiệu quả; qua đó, nâng cao tính cạnh tranh. Chính quyền các cấp của thành phố phải chuyển động thực sự, Thủ tướng nói.
Gợi mở những giải pháp cụ thể, Thủ tướng lưu ý thành phố tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ; phát triển dịch vụ logistic, đặt mục tiêu phấn đấu tăng mạnh lượng hàng hóa thông quan qua cảng Hải Phòng. Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng nhắc nhở thành phố cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường; thực hiện công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa. Thành phố cũng phải tập trung nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, hướng đến mô hình có giá trị kinh tế cao; chú trọng rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, đa dạng hóa các loại hình vốn đầu tư.
Mong muốn Hải Phòng đứng trong top 10 cả nước về cải cách hành chính, Thủ tướng đề nghị cán bộ, cấp ủy chính quyền các cấp của thành phố phải ưu tiên tiếp nhận và giải quyết thông tin của người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng; đồng thời tiếp tục trấn áp tội phạm, băng nhóm xã hội đen, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng, Hải Phòng sẽ có một sức sống mới, niềm tin mới, thúc đẩy sự hứng khởi trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp và tinh thần đó sẽ đi sâu, trở thành quyết tâm và hành động cụ thể của cán bộ, công chức thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.