Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng gợi ý 6 nội dung cần tập trung cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

T. Minh| 18/05/2018 17:39

(HNMO) - Ngày 18-5, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đã làm việc với Bộ VH,TT&DL về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương 5 điểm sáng trong ngành VH,TT&DL và gợi ý 6 nội dung Bộ VH,TT&DL cần quan tâm hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc với Bộ VH,TT&DL. (Ảnh Hồng Hà)


Những điểm sáng

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng ghi nhận 5 điểm sáng của ngành VH,TT&DL gồm:

Bộ trưởng, lãnh đạo bộ, các đơn vị đã tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế. Năm 2017, Bộ đã xây dựng, ban hành 15 văn bản gồm 2 luật, 8 nghị định và 2 thông tư.

Thủ tướng đánh giá cao công tác cải cách hành chính. Bộ đã tích cực quyết liệt tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trên các lĩnh vực quảng cáo, văn hóa, thể thao, biểu diễn…

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự tiến bộ rõ rệt trong công tác quản lý lễ hội. Nếu lễ hội xuân năm 2017 có nhiều vấn đề phức tạp như “chặt chém” khách, các hành vi phản cảm… thì tới năm 2018 hầu như đã khắc phục được.

Bên cạnh đó, có thêm nhiều di sản được UNESCO vinh danh. Cùng với đó là các thành tích về thể thao như Đội tuyển bóng đá U23 giành ngôi Á quân Châu Á tạo niềm tin, sự phấn khởi trong nhân dân.

Năm 2017, lần đầu tiên du lịch Việt Nam đạt 13 triệu lượt khách quốc tế; 4 tháng đầu năm 2018 đạt 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ.

Những gợi mở cho ngành VH,TT&DL

Bên cạnh những việc đã làm tốt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng cũng gợi ý 6 nội dung mà Bộ VH,TT&DL cần tiếp tục tập trung làm tốt hơn.

Trong lĩnh vực văn hóa, đây là vấn đề rất lớn, vẫn còn tình trạng khai thác kiểu tận thu, ăn xổi, chộp giật, coi lợi nhuận là hàng đầu mà bỏ qua các giá trị cốt lõi về văn hóa, lịch sử. Ví dụ như trùng tu, bảo tồn di tích không đúng nguyên mẫu, làm méo mó các giá trị. Một số vụ việc gần đây liên quan tới các công trình xây dựng tại miếu Bà Chúa Xứ, làng biển cổ Nam Ô, san lấp lăng mộ tại Huế, xây dựng đường lên núi ở Di sản thế giới Tràng An…

Cùng với đó, Bộ cần rất quan tâm xây dựng thể chế về văn hóa, đây là nhiệm vụ lâu dài.

Lĩnh vực điện ảnh Việt Nam đang đối mặt thách thức rất lớn trước sự cạnh tranh của phim nước ngoài tại các rạp. Nhiều phim Việt Nam rất tốt nhưng làm sao để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cấp phép biểu diễn, ca khúc, hoạt động nhiếp ảnh… đã phân cấp cho địa phương nhưng cần có cách thức quản lý hiệu quả hơn, nhiều địa phương còn lúng túng.

Đối với lĩnh vực du lịch, nổi lên là vấn đề quản lý “tour du lịch 0 đồng”, quản lý hướng dẫn viên… Về thể thao, Thủ tướng rất quan tâm vấn đề kiện toàn ban lãnh đạo Liên đoàn bóng đá; công tác đào tạo vận động viên nguồn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc. (Ảnh Hồng Hà)


Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH,TT&DL quan tâm đến quản lý nhà nước về quảng cáo, gần đây xuất hiện một số quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, mang tính bạo lực, quảng cáo sai sự thật…

Về phía Tổng cục Thể dục Thể thao, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho rằng, hiện nay, cơ chế chính sách đãi ngộ đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên (HLV, VĐV) còn hết sức khó khăn. Chế độ tập luyện được thực hiện theo Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011, chế độ dinh dưỡng thì thực hiện theo quy định từ năm 2013. Đến nay, do trượt giá nên chính sách cho HLV, VĐV rất khó khăn. Lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao đã đề nghị Bộ làm việc với Bộ Tài chính sửa thông tư, nâng cao chế độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng cho VĐV, HLV.

Về đào tạo nguồn VĐV đỉnh cao cho ngành Thể thao, ông Vương Bích Thắng cũng cho rằng hiện nay hết sức khó khăn do không có nhiều đơn vị tài trợ. Ông Thắng mong muốn Chính phủ xem xét có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao.

Tại buổi làm việc, nhiều đơn vị như Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã nêu những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đề nghị lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ.

Các ý kiến góp ý của Tổ công tác cũng đã chỉ ra vấn đề thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành VH,TT&DL.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tổ công tác sẽ tiếp nhận tất cả các ý kiến nêu ra tại buổi làm việc. Đối với Bộ VH,TT&DL. Với 5 điểm sáng và 6 gợi mở của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL và lãnh đạo các cục, vụ coi đây là chỉ đạo, gợi mở để có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt.

Với những vấn đề còn vướng mắc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị báo cáo lên Bộ VH,TT&DL để Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ.

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã nghiêm túc tiếp thu tất cả các chỉ đạo của Thủ tướng và đoàn công tác, kết luận của Tổ trưởng đoàn công tác. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cam kết sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng gợi ý 6 nội dung cần tập trung cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.