Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ĐHQG Hà Nội

Theo Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc| 15/09/2014 11:53

Sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự Lễ khai giảng năm học 2014-2015 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2014-2015 của ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Năm học 2013-2014, ĐHQG Hà Nội đã chủ động quy hoạch, sắp xếp các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; duy trì quy mô đào tạo chính quy một cách hợp lý, giảm nhanh quy mô đào tạo không chính quy; tăng quy mô đào tạo sau ĐH theo tỷ lệ các trường ĐH nghiên cứu, đạt gần 30%.

Nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao đã được kiểm định đạt chuẩn chất lượng của mạng lưới các ĐH ASEAN (AUN). Số lượng và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, đáp ứng tốt yêu cầu công việc và đủ tiêu chuẩn để tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến không ngừng tăng lên. Nhà trường cũng đã tích cực đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH và sau ĐH.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ĐHQG Hà Nội đã triển khai đồng bộ và có sự gắn kết giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; giữa khoa học và công nghệ kỹ thuật; giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Hiện ĐHQG Hà Nội là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu cả nước về các công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế.

Vị thế của ĐHQG Hà Nội không ngừng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới. Năm 2014, trường được Tổ chức xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới (QS) xếp vào nhóm 161 các ĐH hàng đầu châu Á. Trong đó 3 lĩnh vực là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và quản lý, công nghệ và kỹ thuật của ĐHQG Hà Nội được xếp vào nhóm 100 trường hàng đầu châu Á.

Vừa qua, Chính phủ đã quyết định thành lập Trường ĐH Việt-Nhật thuộc ĐHQG Hà Nội, tạo điều kiện cho việc giao lưu học thuật, tiếp thu công nghệ tiên tiến, quản trị ĐH hiện đại, góp phần nâng cao uy tín và tạo thêm động lực cho quá trình hội nhập quốc tế của ĐHQG Hà Nội nói riêng và giáo dục ĐH Việt Nam nói chung.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những thành tích xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQG Hà Nội nói riêng, của các trường ĐH, CĐ cả nước nói chung đã giành được trong năm học vừa qua.

Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học và công nghệ là chìa khóa có ý nghĩa quyết định cho sự thành công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm học 2014-2015 là năm học có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ và Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế tri thức, giáo dục ĐH nói chung, ĐHQG Hà Nội nói riêng, có trách nhiệm đóng góp tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, tạo đà bước vào kế hoạch 5 năm 2016-2020 với mục tiêu chiến lược là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham quan Phòng truyền thống của ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Để hoàn thành trọng trách đó, xứng đáng với sự chăm lo, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong năm học 2014-2015 và những năm tiếp theo, ĐHQG Hà Nội cùng các trường ĐH, CĐ trong cả nước cần làm tốt 5 nhiệm vụ sau:

Một là, phải đổi mới quản trị ĐH, chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng nền giáo dục ĐH, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp trong đó thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá.

Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất đáp ứng yêu cầu xã hội và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, đủ khả năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia, của các ngành, các địa phương. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động của nhà trường với các doanh nghiệp và thực tế đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh-đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bốn là, triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục ĐH Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đạt chuẩn quốc tế.

Năm là, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên. Đối với ĐHQG Hà Nội, trước mắt nhà trường cần có các giải pháp hợp lý để nâng cấp, cải tạo, phát triển cơ sở vật chất tại các quận nội thành Hà Nội, đảm bảo thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời cần khẩn trương, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, phấn đấu trong 5 năm tới có thể chuyển được 2-3 trường ĐH thành viên lên địa điểm mới và sớm đưa ĐH Việt-Nhật đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH phải gắn bó chặt chẽ và tiến hành đồng bộ với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục, đào tạo theo lộ trình thích hợp và những bước đi vững chắc.

Mỗi cấp học, bậc học có nội dung, phương thức đổi mới phù hợp, song toàn ngành giáo dục Việt Nam đều có mục tiêu chung là hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, làm chủ thể sáng tạo và động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc.

Thủ tướng mong muốn trong năm học này, ĐHQG Hà Nội cũng như tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp.

Nhà trường phải vừa là trung tâm giáo dục vừa là trung tâm văn hóa, có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển suốt đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ĐHQG Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.