Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng: Đưa Bắc Ninh thành thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á

Theo Việt Nam plus| 12/02/2017 19:10

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bắc Ninh, chiều 12-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Bắc Ninh cần phải nỗ lực để trở thành thủ phủ sản xuất đồ điện tử khu vực châu Á.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Bắc Ninh, chiều 12-2. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


“Bắc Ninh không những là một địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước mà còn phải phấn đấu trở thành biểu tượng của sự chuyển mình, vươn lên của Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung của ASEAN và châu Á trong vòng 10 năm tới,” Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sự chuyển biến về kinh tế-xã hội 20 năm qua của Bắc Ninh mang tính toàn diện, bứt phá mạnh mẽ dựa trên nền tảng tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Những thành tựu này được thể hiện rõ nét qua các chỉ số ở tốp đầu cả nước mà Bắc Ninh đã đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng đã khởi xướng một tầm nhìn phát triển lâu dài, xứng tầm với địa phương giàu truyền thống văn hóa và tiềm năng phát triển - mảnh đất Kinh Bắc địa linh nhân kiệt.

Thủ tướng mong muốn Bắc Ninh tiếp tục là một trong những địa phương giàu có nhất cả nước, hướng đến trở thành một trong 300 thành phố sáng tạo nhất thế giới, làm hình mẫu cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong khi vẫn gìn giữ, bảo toàn và phát huy được bản sắc văn hóa độc đáo của một vùng đất đã được mệnh danh là Kinh Bắc.

Đề nghị Bắc Ninh không được chủ quan, tự mãn với kết quả đạt được, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải không ngừng đổi mới, tiếp tục nghiên cứu tìm tòi những giải pháp đột phá; phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Không chỉ áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất điện tử, tỉnh phải ứng dụng cả trong sản xuất nông nghiệp và quản lý xã hội.

Chỉ rõ một số tồn tại hạn chế của địa phương, Thủ tướng nhận xét kinh tế còn phát triển chậm. Khu vực kinh tế trong nước chưa tương xứng với khu vực FDI mặc dù có là tỉnh có lợi thế rất lớn với số lượng đông đảo các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu, đơn giản; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ làm giảm khả năng kết nối với các vùng kinh tế khác trong vùng. Các vấn đề như an toàn thực phẩm, khiếu nại tố cáo đông người còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đời sống văn hóa của công nhân, nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Thủ tướng cũng điểm qua những thách thức mà Bắc Ninh cần vượt qua để hướng tới phát triển bền vững hơn đó là: Công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường các làng nghề, khu công nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu công nghiệp hóa; sự gắn kết giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI; chất lượng quá trình đô thị hóa…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bắc Ninh phải vươn lên tầm cao mới của một địa phương phát triển thuộc hàng cao nhất cả nước với một tầm nhìn rõ nét hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016 cho huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Tán thành và giao cho địa phương xây dựng Đề án phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh tiếp thu, sàng lọc thành tựu phát triển thành phố thông minh từ bài học của Bình Dương nhất là công nghệ thông minh áp dụng trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội…

Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch; mở rộng các mô hình phát triển cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp.

Thủ tướng cũng dặn dò địa phương lưu ý đến việc xây dựng cấp ủy, chính quyền liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp; song song với tăng trưởng, phải duy trì và đảm bảo tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Chứng nhận của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy đến hết 2016. Bắc Ninh đã có 2/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bắc Ninh là quê hương của Kinh Dương Vương, Lý Bát Đế, nơi hội tụ kho tàng văn hóa dân gian và sản sinh ra những làn điệu Dân ca Quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Là địa phương có diện tích tự nhiên chỉ chiếm 0,2% diện tích tự nhiên cả nước, nhỏ nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chi tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp cao nhất cả nước. 

Có thể kể đến những thành tựu là lợi thế cạnh tranh tiêu biểu của Bắc Ninh năm 2016 vừa qua như GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 cả nước đạt 4.847 USD; giá trị sản xuất công nghiệp xếp thứ 2 cả nước với 765.621 tỷ đồng; xuất khấu xếp thứ 2 cả nước với 22,8 tỷ USD. 

Mặc dù là địa phương đứng cuối bảng về diện tích nhưng Bắc Ninh lại có mức thu ngân sách đứng thứ 10 toàn quốc với thành tích năm 2016 đạt 17.800 tỷ đồng. Đặc biệt, Bắc Ninh có mức thu hút vốn FDI đứng thứ 5 cả nước với 935 dự án trong 20 năm qua, tổng số vốn đầu tư đạt 12,3 tỷ USD... Đây cũng là điểm đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Microsoft, Canon, PepsiCo... 

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Bắc Ninh mạnh dạn đặt chỉ tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 (nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh). 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Đưa Bắc Ninh thành thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.