Sáng nay, 23-7, làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tỉnh bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Đây là cố gắng lớn của Bình Thuận mà các địa phương khác phải học tập, “chứ không phải cứ bàn lùi” bởi Bình Thuận là một trung tâm du lịch dịch vụ, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,81%. Nổi bật nhất là giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 17.200 tỷ đồng, đây là trụ cột, cũng là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khó khăn nhất là tác động của dịch đối với ngành du lịch, thương mại và xuất khẩu. Lượng khách du lịch giảm 46%, doanh thu giảm hơn 37%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ giảm 3,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 47%. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 325 doanh nghiệp (giảm so với cùng kỳ là 9%).
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh cho biết, đến ngày 30-6 đã giải ngân 38,4% trong tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách (hơn 3.000 tỷ đồng) và cập nhật đến ngày 21-7 là hơn 42%. Về các công trình trọng điểm của Trung ương trên địa bàn, tỉnh cho biết, đã tập trung vào đường cao tốc Bắc - Nam đi qua Bình Thuận, dài 160,3km, đến nay đã giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đạt 93% và giải ngân 71,3%. Tỉnh khẳng định cuối tháng 8 tới có thể giao mặt bằng để khởi công hai đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.
Đồng tình với cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh về giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công trong năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, “để có tiền phục vụ đầu tư công là một việc khó, nhưng khi đã có tiền mà không giải ngân được thì tỉnh Bình Thuận sẽ có lỗi lớn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân tỉnh nhà. Bình Thuận quyết tâm giải ngân hết theo kế hoạch”.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao tốc độ giải ngân của tỉnh Bình Thuận, đồng thời cho biết, hơn một tuần sau hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng và các địa phương về giải ngân thì tốc độ giải ngân tăng mạnh. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của các địa phương.
Ghi nhận ý kiến của Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, “hôm nay cũng là cuộc kiểm tra về giải ngân vốn đầu tư công của Bình Thuận”. Đây là cố gắng lớn của Bình Thuận mà các địa phương khác phải học tập, “chứ không phải cứ bàn lùi”. “Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, đồng hành với các đồng chí để tiếp tục thúc đẩy đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phấn đấu đạt kết quả cao nhất, đóng góp đưa Bình Thuận giàu mạnh”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển như đất đai rộng lớn, con người cần cù, có truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, có cảng nước sâu, ngư trường lớn, có khoáng sản, năng lượng tái tạo… Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh quyết tâm rất cao trong khắc phục khó khăn, vươn lên trong phát triển. GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, thì 6 tháng đầu năm, Bình Thuận đã vươn lên đứng thứ 18.
Năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, không thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là một trung tâm du lịch, dịch vụ của cả nước nhưng những chỉ tiêu đó không thay đổi thì là phấn đấu rất lớn, các tỉnh phải học tập. Bình Thuận là một trong những địa phương tổ chức sớm hội nghị xúc tiến đầu tư, đạt kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chia sẻ, Bình Thuận đang chịu ảnh hưởng lớn của khô hạn, triều cường xâm thực ở biển. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Sự chồng lấn quy hoạch titan với quy hoạch khác là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Về một số nhiệm vụ thời gian tới, trước hết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh lo chống hạn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ mùa màng, cây ăn quả. Cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để không bị chồng lấn, lãng phí. Tỉnh cần tập trung khâu quan trọng này, không để mâu thuẫn, gây thiệt hại lẫn nhau trong thời gian tới, nhất là mâu thuẫn giữa khoáng sản và du lịch. Quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn cho phát triển. Phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực. Trong phát triển, chú ý hệ thống doanh nghiệp; quản lý hiệu quả tài nguyên, đất đai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chính quyền số, thương mại điện tử...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.