Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến về quản lý và bảo vệ rừng

Nguyễn Mai- Ảnh: Anh Tuấn| 14/10/2017 11:27

(HNMO) - Sáng 14-10, Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới” được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố...

Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu...



Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ vai trò và tầm quan trọng của rừng; một số tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thời gian qua; đồng thời, nêu một số vấn đề để các bộ, ngành và địa phương tham gia thảo luận, góp ý nhằm tăng cường biện pháp; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, kết quả tổng kiểm tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 cho thấy cả nước có 14.377.682ha (tăng 315.826ha so với năm 2015), trong đó bằng khoanh nuôi, tái sinh và các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có 10.242.141ha (tăng 66.621ha); rừng trồng 4.135.541ha (tăng 249.203ha so với năm 2015); độ che phủ rừng đạt 41,19% (tăng 0,35% so với năm 2015); giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016 (so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012); sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần (từ 5,6 triệu m3/năm 2011 lên 17,3 triệu m3/năm 2016); giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần (từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD giai đoạn 2012-2015, năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD).

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Ước hằng năm, cả nước thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng; chi trả cho hơn 5,4 triệu ha rừng và ước riêng năm 2017, cả nước thu khoảng 1.650 tỷ đồng... Bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người làm nghề rừng…

Tuy nhiên, trong khi diện tích rừng cả nước tăng thì tại một số vùng như Tây Nguyên, diện tích rừng giảm. Cụ thể, khu vực Tây Nguyên đã giảm 3.170ha so với năm 2015. Tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tuy đã giảm nhưng chưa triệt để: trong 6 tháng cuối năm 2016, phát hiện 10.466 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 915 vụ (8%), diện tích rừng bị thiệt hại là 827ha, giảm 18 ha (2%) so với cùng kỳ 2015.

9 tháng qua, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ (21%); diện tích rừng bị thiệt hại 1.257ha, giảm 3.078ha (71%) so với cùng kỳ năm 2016; riêng khu vực Tây Nguyên, đã phát hiện 3.877 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 10%; diện tích rừng bị thiệt hại 444ha, tăng 23ha (5%) so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước.

Trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được quan tâm, diện tích rừng tự nhiên nói riêng và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung được thực hiện tốt, không có phá rừng, lấn chiếm rừng xảy ra. Trữ lượng, chất lượng rừng ngày càng tăng, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải tạo sinh kế cho người dân gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới...

Trong năm 2017, ngân sách UBND thành phố và UBND huyện Sóc Sơn đã giao khoán quản lý và bảo vệ rừng cho hơn 6.500ha rừng phòng hộ, đặc dụng (chiếm 72% diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng do thành phố quản lý). Trong 9 tháng qua, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, canh gác, trực chòi canh lửa, phát hiện sớm lửa rừng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, trên địa bàn đã xảy ra 17 vụ cháy rừng, tổng diện tích bị cháy hơn 64ha, trong đó huyện Sóc Sơn xảy ra 12 vụ (thiệt hại hơn 58ha)...

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã tham luận về thực trạng và đề xuất giải pháp, kiến nghị… nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục không khai thác gỗ rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án có sử dụng diện tích đất rừng; phát triển du lịch là cần thiết nhưng không được làm ảnh hưởng tới rừng... Rừng trồng và phát triển vốn rừng là hướng phát triển lâu dài của đất nước, do vậy, cần chỉ đạo thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về rừng cũng như người đứng đầu, các chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng; kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ bảo vệ rừng; tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để tình trạng người dân phá rừng lấy đất sản xuất; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương rà soát quy hoạch, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển...

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện. Về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến về quản lý và bảo vệ rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.