(HNMO) - Sáng 21-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, một số địa phương và đông đảo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.
Những kết quả vừa qua cho thấy, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng nhằm sắp xếp, cơ cấu lại DNNN. Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới DNNN thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11-2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18-11-2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số doanh nghiệp tỉ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.
Về kế hoạch thoái vốn, đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn mà theo kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh việc đánh giá lại 3 năm triển khai đổi mới, cơ cấu lại DNNN của nhiệm kỳ này, hội nghị sẽ tập trung bàn bạc, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Đã cổ phần hóa được 145 doanh nghiệp nhà nước
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, công tác đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả DNNN ngày càng thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã cổ phần hóa được 145 DNNN, thoái vốn thu về trên 206.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều giai đoạn trước. Đến cuối năm 2017, tổng tài sản DNNN tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 26%, nộp ngân sách 219.469 tỷ đồng, tăng 5%.
6 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều đạt trên 70% kế hoạch năm. Nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá, thoái vốn hoạt động hết sức hiệu quả, như Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex… Đã có 106 doanh nghiệp sau cổ phần hoá niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2017, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt gần 650.000 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng 52%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung, xử lý, giải quyết sớm, từ những bất cập trong cơ chế, chính sách, định giá đất, xác định giá trị doanh nghiệp đến chọn nhà đầu tư, từ công tác cán bộ đến tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm…
Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn, tổng công ty và các bộ, ngành đã có bài tham luận về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Kết thúc phần thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN với vai trò là công cụ của nền kinh tế. Bên cạnh việc rà soát mô hình tái cấu trúc, các DNNN cần chủ động hợp tác với đối tác lớn ở nước ngoài. Cùng với đó, các bộ, ngành cần chủ động đề xuất hoàn thiện thể chế, tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp. Các bộ cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện cho phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp của ngành và quốc gia.
Cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, DNNN rất cần thiết cho sự phát triển đất nước, không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới đều có DNNN để điều tiết, quản lý nền kinh tế. Thủ tướng đã có quyết định về tiêu chí phân loại DNNN, như Nhà nước nắm chi phối cảng, sân bay, điện lực, 4 ngân hàng lớn để điều tiết chính sách tiền tệ, quốc phòng, an ninh, viễn thông, cao su, dầu khí… Chính phủ đã lập ra Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đây không phải là cơ quan trung gian, gây khó khăn, ách tắc cho sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nhấn mạnh, DNNN hoạt động theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo quy luật giá trị, từ tiền lương, đến giá cả, không hành chính hóa DNNN và sử dụng mệnh lệnh hành chính, trừ những việc Nhà nước cần thiết phải chỉ đạo. Công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN đạt nhiều kết quả quan trọng, đó là góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước và giảm số lượng DNNN (từ trên 12.000 xuống còn dưới 600 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số điểm bất cập, tồn tại. Đó là hiệu quả, đóng góp của nhiều DNNN còn thấp. Nếu quản trị tốt hơn, đầu tư nhất là đầu tư khoa học công nghệ tốt hơn, đóng góp sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn. Tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề. Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên chưa nghiêm, còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn, lợi ích nhóm...
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu các yêu cầu cụ thể đặt ra đối với các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Đó là cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa ngay cả doanh nghiệp có hiệu quả để thu hút vốn xã hội, nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng, chống “đi đêm” trong cổ phần hóa.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31-12-2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31-12-2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.