Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vùng KTTĐ phía Nam là vùng kinh tế động lực đầu tàu
Chị thị nêu rõ mục tiêu của Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo đảm công bằng, ổn định chính trị xã hội, hài hòa giữa các mục tiêu về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cải thiện môi trường sinh thái với việc bảo vệ và phát triển rừng; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đô thị, nguồn nước và không khí; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ khuyến khích đầu tư như CPTPP, EVFTA, EVIPA…; đổi mới tư duy, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các yếu tố bứt phá để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của vùng và cả nước.
Vùng KTTĐ phía Nam là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực, là trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước; thực hiện vai trò cầu nối với các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên mà hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh; phấn đấu đến năm 2025 có 7/8 tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam có điều tiết về ngân sách trung ương.
Ba nhóm giải pháp
Để đạt được những mục tiêu trên, Chỉ thị nêu ra 3 nhóm giải pháp về: Cơ chế, chính sách; liên kết các ngành, lĩnh vực và nguồn lực.
Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư công, làm cơ sở thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công và khuyến khích kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đề xuất phương án hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động Vùng KTTĐ để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên hội đồng vùng, trong đó phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Ban Chỉ đạo, các hội đồng vùng, các bộ, ngành và địa phương trong vùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2019.
Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn chỉnh quy định về phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; phí sử dụng kết cấu hạ tầng, giá phí sau đầu tư, có sự điều tiết của Nhà nước tuân thủ nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 7-2019 đối với Nghị quyết số 53-NQ/TƯ ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị khóa IX đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2020, Kết luận số 27-KL/TƯ ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TƯ, Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 18-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/TƯ của Bộ Chính trị; Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030; các Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25-6-2015, số 2059/QĐ-TTg ngày 24-11-2015 và số 2360/QĐ-TTg ngày 22-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ điều phối và Quy chế phối hợp vùng KTTĐ.
Đồng thời, triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách khuyến nông.
Đẩy mạnh gắn kết trong và ngoài vùng
Để tạo liên kết các ngành, lĩnh vực trong vùng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, các dự án kết nối trong khu vực, đặc biệt là cao tốc Bến Lức – Long Thành, phấn đấu khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý IV-2020; chỉ đạo thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; Mỹ Thuận – Cần Thơ trong năm 2021; chú trọng đầu tư đường thủy nội địa kết nối vận tải thủy Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, đẩy mạnh phát triển vận tải thủy với Campuchia.
Cùng với đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng tập trung ở nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như các khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; trong đó lấy thành phố Hồ Chí Minh và gắn kết với trục Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành làm trung tâm và phát triển lan tỏa ra các khu vực lân cận.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của các địa phương trong Vùng KTTĐ phía Nam, giúp doanh nghiệp định hướng xây dựng chiến lược phát triển, cải tiến chất lượng sản phẩm, tìm kiếm những thị trường tiềm năng; tăng cường vận động các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam có uy tín mở nhiều đại lý, nhà phân phối tại các vùng nông thôn; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, các sản phẩm lợi thế của các địa phương trong vùng.
Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vùng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với đặc thù của vùng. Xây dựng đề án phát triển Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2019.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam đẩy mạnh sự phối hợp, gắn kết trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Tập trung nguồn lực
Để phát triển nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn, úng ngập tại thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn trong vùng, ưu tiên giải quyết trước hết các điểm nút chính, nơi tập trung mật độ dân cư cao tại các đô thị trung tâm.
Bộ Giao thông Vận tải tập trung nguồn lực nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng như: Các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối các cảng biển và hành lang vận tải quốc tế...
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng; ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài; tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư theo các hình thức PPP, xã hội hóa... đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, phát huy lợi thế về giao thông đường thủy của vùng.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI. Tạo điều kiện về không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi; bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.