Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Thủ phạm" làm tăng úng, ngập

Bài, ảnh: Trọng Ngôn| 08/04/2015 07:03

(HNM) - Sông và kênh rạch gần một số dự án đất nền, chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang bị xâm hại bằng nhiều hình thức. Hàng nghìn hộ dân sống gần những khu vực có dự án lấn sông, lấn kênh rạch đang lo lắng về nguy cơ mùa mưa lũ năm nay sẽ bị ngập nghiêm trọng hơn so với những năm trước.


"Khuyết tật" các dòng kênh

Đi một vòng các dự án phát triển đô thị tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Quận 9, Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè… dễ dàng nhận thấy những dòng sông, kênh rạch ở khu vực này đang bị san lấp vô tội vạ. Bên cạnh nguy cơ về an toàn, độ bền của công trình, chủ đầu tư các dự án gần như không quan tâm đến vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở xung quanh như thế nào. Một số nơi, đất san lấp mặt bằng còn thừa, đơn vị thi công "đẩy" ra bất cứ nơi nào mà họ cảm thấy thuận tiện nhất như sông, kênh rạch… Điều này đã khiến đất của chủ đầu tư rộng ra, còn sông, rạch bị biến dạng, "teo" lại hoặc biến mất.

Một con kênh tại Phường 4, Quận 8 đang bị xâm hại.



Tại khu Phố 8, Phường 4, Quận 8, nhiều con kênh có tác dụng thoát nước thải, thoát nước mùa mưa lũ bị Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ kinh doanh nhà Vạn Thái - chủ đầu tư dự án chung cư Topaz City (đường Tạ Quang Bửu, Quận 8) cho công nhân lấp vô tội vạ. Khi người dân ý kiến phản ánh vấn đề này thì nhận được câu trả lời là "tôi không biết, để về hỏi lại công ty" rồi mặc nhiên tiếp tục lấp như không có chuyện gì xảy ra.

Còn tại đường Đào Trí, khu vực cầu Bà Bướm (phường Phú Thuận, Quận 7), một bên là Dự án chung
cư The EverRich 2 (do Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư), một bên là Dự án đất nền Jamona City do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) làm chủ đầu tư. Đi qua khu vực này, người ta dễ dàng nhận thấy hai bên cầu Bà Bướm chỉ có nước chảy ở bên dự án The EverRich 2, còn bên dự án Jamona City hầu như không còn thấy dấu vết gì của rạch Bà Bướm. Nhiều người dân ở đây cho biết, trước kia rạch Bà Bướm thông suốt, nhưng từ khi chủ đầu tư Dự án đất nền Jamona City san lấp mặt bằng thì con rạch đã bị "khuyết tật", chỉ còn phần bên Dự án chung cư The EverRich 2 nhưng cũng rất nhỏ.

Mối nguy về môi trường

Theo các nhà hoạch định đô thị, tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống kênh rạch giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy, nhất là khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên 100 dòng kênh lớn nhỏ của thành phố này đã bị san lấp hoặc lấn chiếm, gây ra những hậu quả về môi trường mà chính người dân đang phải gánh chịu. Số liệu từ Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho biết, trên 30% kênh, rạch của TP Hồ Chí Minh đã bị lấn chiếm và 15% đã bị san lấp hoàn toàn trong những năm qua. Trong đó, ước tính có khoảng 4.000ha kênh, rạch trên địa bàn thành phố đã bị mất đi do tác động của con người và quá trình đô thị hóa. Số liệu thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm 1980, cả thành phố chỉ có 10 điểm ngập, đến nay đã tăng lên gần 200 điểm mà nguyên nhân chủ yếu là do việc san lấp kênh, rạch một cách bừa bãi.

Có thể thấy, thực trạng san lấp, lấn chiếm vô tội vạ hệ thống sông, kênh, rạch dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường trong việc điều tiết dòng chảy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo các chuyên gia, việc lấn chiếm sông, rạch làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gia tăng nguy cơ sạt lở do tải trọng của các công trình xây dựng trên bờ sông bị lấn chiếm. Bên cạnh đó, điều này còn gia tăng cường suất lũ, khi các vùng trũng ven sông vốn có tác dụng điều tiết nước sẽ không còn nữa. Để chặn đứng nguy cơ này, các cơ quan chức năng cần có những hành động quyết liệt, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm để trả lại sự nguyên vẹn vốn có của hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Thủ phạm" làm tăng úng, ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.