(HNM) - Dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng.
Cần có phương án thu nợ bảo hiểm khi doanh nghiệp phá sản để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Bá Hoạt |
Cần nghị định về thu nợ bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dù tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có chuyển biến đáng kể nhưng tại nhiều địa phương, tỷ lệ nợ còn cao. Tính đến hết tháng 9-2018, tổng số tiền nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 59.000 lao động của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ giải thể, phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là 1.003 tỷ đồng. Hiện đã có quy định cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động nợ tiền đóng BHXH giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển đơn vị khác; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với người lao động.
Dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN được xây dựng nhằm giải quyết quyền lợi về bảo hiểm của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 16 điều. Một trong những điểm đáng chú ý là Điều 14 quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Cụ thể, đối với đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí bảo đảm khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH.
Dự thảo cũng đưa ra quy định phân loại về nợ, nợ kéo dài, nợ khó thu. Riêng về nợ khó thu gồm các trường hợp: Đơn vị mất tích; đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.
Tìm phương án phù hợp
Vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động đã được đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa, Đoàn TP Đà Nẵng, đặt ra tại phiên chất vấn kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Đại biểu chất vấn: Tại Khoản 7, Điều 10 Luật BHXH (sửa đổi) quy định Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động. Vậy, vì sao Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực đã gần ba năm nhưng đến nay quy định này vẫn chưa được thực hiện?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Luật BHXH (sửa đổi) có giao Bộ báo cáo Chính phủ về biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trong đó cho phép đóng BHXH riêng từng trường hợp để giải quyết quyền lợi của người lao động; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26-12-2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; Nghị quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, trong đó có giải pháp tăng cường thanh tra, xử lý hiện tượng trốn đóng BHXH. Đặc biệt, Bộ cũng đã tham mưu để Chính phủ kiến nghị với Quốc hội, và đã được Quốc hội thống nhất bổ sung tội danh trốn đóng BHXH vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, kết quả thực tế của những biện pháp nói trên chưa được như kỳ vọng.
Riêng về dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định đang gặp hai vấn đề lớn. Thứ nhất, do xung đột pháp luật, đặc biệt là về phương án xử lý đối với quyền, lợi ích của người lao động mà Luật Ngân sách và Luật BHXH (sửa đổi) đều không cho phép. Thứ hai là vướng về thẩm quyền do phạm vi quy định hướng tới của dự thảo Nghị định vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, Bộ đã trực tiếp báo cáo và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm phương án giải quyết phù hợp với thông lệ quốc tế, các quy định hiện hành và trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Mới đây, khi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường, nhưng phải giải quyết tốt quyền lợi của người lao động. Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án để Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về kinh phí bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp phá sản mà còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố cần có biện pháp nâng cao năng lực thẩm định, giám sát các dự án đầu tư nước ngoài, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường để chủ động xử lý, tránh tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.