Nông nghiệp - Nông thôn

Ứng Hòa phát triển sản phẩm OCOP từ vùng trồng lúa tập trung

Minh Phú 26/08/2024 - 07:06

Là vùng chuyên canh lúa gạo lớn của thành phố, huyện Ứng Hòa đã xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”.

Đặc biệt, với vùng sản xuất tập trung, chất lượng thơm ngon, từ năm 2019, sản phẩm gạo Japonica giống J02 của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú) được công nhận trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố với thứ hạng 4 sao.

giong-lua.jpg
Huyện Ứng Hòa phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao, gắn với đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, giống lúa J02 được UBND huyện chỉ đạo đưa vào sản xuất vụ đầu tiên năm 2016 tại Hợp tác xã Miêng Hạ (xã Hoa Sơn) với diện tích 38,4ha. Qua thời gian theo dõi sinh trưởng của dòng lúa này trong khoảng 5 năm cho thấy, giống J02 rất thích hợp với chân trũng (vụ xuân) và chân vàn (vụ mùa); khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất bình quân 60 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon nên giá bán lúa J02 cao hơn lúa thường khoảng 30%. Chính vì vậy, phần lớn nông hộ trên địa bàn huyện đã chuyển sang canh tác lúa J02.

Để giúp nông dân nâng cao giá trị từ cây lúa, Ứng Hòa đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy” và giao cho Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết sử dụng để nâng cao giá trị hàng hóa…

Hiện nay, Ứng Hòa tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đặc biệt là giống lúa Nhật J02, lúa nếp các loại. Riêng vụ xuân năm 2024, tỷ lệ lúa chất lượng cao của huyện đã đạt 71,3%. Bên cạnh khâu giống, huyện ứng dụng cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch, đạt trên 98% diện tích; khâu cấy đạt 7,4% diện tích; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho diện tích lúa cấy và gieo sạ, đạt hơn 700ha.

Đến nay, trên địa bàn Ứng Hòa đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với quy mô ổn định khoảng 5.690ha tại 5 vùng đã được UBND thành phố phê duyệt; năng suất bình quân đạt từ 58 tạ/ha, sản lượng từ 33.000 tấn trở lên. Đáng chú ý, gắn với phát triển vùng lúa chất lượng cao, Ứng Hòa duy trì và phát triển sản phẩm OCOP 4 sao gạo Japonica giống J02, được thành phố chứng nhận năm 2019 và công nhận lại năm 2023, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) Cao Thị Thủy cho biết: Những năm trước đây, do làm nông nghiệp hiệu quả thấp nên có tình trạng nhiều hộ dân không sản xuất. Với phương châm “không để một ruộng nào bỏ hoang” và đưa đến người tiêu dùng sản phẩm gạo an toàn, chất lượng, Hợp tác xã Đoàn Kết đã thuê lại diện tích sản xuất của các hộ trên địa bàn không có nhu cầu gieo trồng. Được huyện hỗ trợ, hợp tác xã đã hình thành cánh đồng mẫu lớn với quy trình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy” khép kín từ khâu sản xuất đến đóng gói, bảo đảm quy trình chất lượng.

Ngoài trực tiếp thuê ruộng để sản xuất, Hợp tác xã Đoàn Kết còn liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tham gia chuỗi sản xuất lúa hàng hóa như: Cung cấp dịch vụ mạ khay, máy cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phơi sấy, bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi vụ, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hơn 7.000 tấn gạo, trong đó chủ lực là gạo J02 có dạng hạt bầu tròn, cơm dẻo, vị đậm đà, thơm ngon…

Với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí, từ vụ mùa 2022, Hợp tác xã Đoàn Kết đầu tư 3 máy bay không người lái với số tiền 1,8 tỷ đồng phục vụ sản xuất lúa. Mỗi máy bay 1 ngày có thể gieo sạ hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật được hàng chục héc ta lúa, giảm chi phí thuê nhân công, bảo vệ sức khỏe nông dân, việc phòng trừ sâu bệnh hại cũng đạt hiệu quả cao hơn. Để nâng cao chất lượng hạt gạo, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống sấy thóc với công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, hợp tác xã còn phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại có thanh lọc hạt vỡ và tạp chất, đủ tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.

Được công nhận sản phẩm OCOP, “Gạo chất lượng Khu Cháy” có tem nhãn, được hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nên ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường mở rộng. Qua đó giúp nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy" được nâng tầm giá trị, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, tạo sự lan tỏa cho nhiều nông sản khác tham gia vào Chương trình OCOP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng Hòa phát triển sản phẩm OCOP từ vùng trồng lúa tập trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.