Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu ngân sách từ ba khu vực kinh tế trọng điểm: Vì sao không đạt dự toán?

Hương Thủy| 31/05/2019 11:29

(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thu ngân sách từ ba khu vực kinh tế trọng điểm trong năm 2018 không đạt dự toán có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.


Dự toán thu cao hơn khả năng thực tế


Làm rõ việc thu ngân sách từ ba khu vực kinh tế trọng điểm: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; và kinh tế ngoài quốc doanh năm 2018 không đạt dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, mặc dù kinh tế khởi sắc nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.

Năm 2018, có 131,3 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới nhưng có tới 107 nghìn DN tạm ngừng thành lập, giải thể. Các DN mới thành lập chủ yếu là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, được hưởng ưu đãi thuế nên đóng góp thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) không nhiều.

Ảnh minh họa


Trong khi đó, số DN nợ đọng có lãi chiếm 40% tổng số doanh nghiệp đã nộp tờ khai thuế; số DN phát sinh thuế giá trị gia tăng dương (đầu ra lớn hơn đầu vào) cũng chỉ chiếm 26% tổng số DN kê khai. Một số DN có số thu lớn thì năm 2018 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm so với năm trước như nhóm khai khoáng, khai thác dầu thô, khai thác khí tốt tự nhiên, sản xuất điện thoại di động.

Về chủ quan, dự toán thu cao hơn khả năng thực tế. So với thực hiện năm 2017, dự toán thu từ khu vực DNNN tăng 13,1%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,1%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 24%.

Vì thế, “Bộ Tài chính đã rút kinh nghiệm, trình Quốc hội dự toán NSNN năm 2019 ở mức phù hợp hơn, tăng 7,7% so với năm 2018; trong đó khu vực DNNN bằng mức thực hiện năm 2018, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,4%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%”, người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Thực tế 5 tháng đầu năm 2019, tổng thu cân đối NSNN đạt 44,5% dự toán và tăng 13,5% so với cùng kỳ, tiến độ thu của ba khu vực này đạt 41,11% dự toán, xấp xỉ tiến độ bình quân của các khoản thu nội địa là 42,3%.  Trong 5 tháng, có 52/63 địa phương thu đạt tiến độ dự toán, 57/63 địa phương thu cao hơn cùng kỳ năm 2018. Con số này cho thấy dự toán đã khá sát với thực tế.

Gặp khó khi phải hài hòa lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư

Về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định đặt ra yêu cầu phải xử lý hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và khắc phục những tồn tại, hạn chế tiêu cực trong thời gian vừa qua. Chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ, đúng pháp luật, vừa đảm bảo không hồi tố.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình soạn thảo dự thảo nghị định này gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá khi sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Nguyên tắc ngang giá đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tế một số hợp đồng BT đã ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT. “Đây là khó khăn rất lớn, đòi hỏi phải xử lý phù hợp”, Bộ trưởng nói.

Thứ hai, đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Đầu tư, giá trị dự án BT và việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu. Theo pháp luật về đất đai, việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, đối với quỹ đất thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, nếu thực hiện đấu giá thì không khả thi, vì khi đấu thầu dự án BT, nhà nước đóng vai trò bên mua, nhà đầu tư đóng vai trò bên bán. Trong trường hợp đấu giá tài sản công thì nhà nước đóng vai trò bên bán, còn nhà đầu tư đóng vai trò bên mua. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá đối với cùng 1 dự án.

Thứ ba, giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật xác định theo giá thị trường. Thực tế cho thấy, việc xác định giá đất cụ thể thời gian qua chưa đạt mục tiêu của nguyên tắc này. Đa số thấp hơn thị trường trong điều kiện giá đất có đặc điểm riêng là xu hướng tăng sau quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng.

Thứ tư, thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy định về đấu giá, việc đấu giá chỉ thực hiện được với đất sạch (đất đã giải phóng mặt bằng). Trong trường hợp này là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư công, không phải hình thức đầu tư BT.

Thực tế, đối với hình thức đầu tư BT, các địa phương đã chấp thuận sử dụng đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thanh toán với nhà đầu tư. Quỹ đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng thì chưa đủ điều kiện để đưa ra đấu giá.

Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT đã được hoàn thiện. Ngày 27-5-2019, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành nghị định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu ngân sách từ ba khu vực kinh tế trọng điểm: Vì sao không đạt dự toán?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.