(HNM) - Là một trong những khoản thu quan trọng, việc giá dầu thế giới giảm sâu những ngày qua khiến nhiều ý kiến lo ngại về việc hụt thu ngân sách nhà nước (NSNN). Song, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, sự sụt giảm này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ thu NSNN của năm 2015.
Nguồn thu ngân sách vài năm trở lại đây không bị lệ thuộc vào dầu thô.Ảnh: như ý |
10/14 khoản thu vượt dự toán
Theo Bộ Tài chính, tổng thu từ dầu thô tháng 11 ước đạt 4,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 60,57 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán. Giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 57 USD/thùng, giảm 43 USD/thùng so giá dự toán. Song, nhìn vào cơ cấu thu NSNN 11 tháng vừa qua, có thể thấy, việc hoàn thành kế hoạch thu NSNN là trong tầm tay.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, kết quả thu NSNN tính đến hết tháng 11-2015 đạt khá, ước thu cả năm sẽ đạt và vượt mức đã báo cáo Quốc hội. Tổng thu cân đối NSNN 11 tháng qua đạt 860,1 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán, bằng 92,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu nội đạt 642,7 nghìn tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán, bằng 93,6% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội với 10/14 khoản thu đã đạt và vượt dự toán năm. Số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng cũng đạt gần 152,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87% dự toán và mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội.
Tuy nhiên, tại hội thảo công bố báo cáo "Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra mới đây, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài. Nhưng, việc củng cố tài khóa vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc tìm nguồn thu mới và thay thế để bù đắp lại thâm hụt nguồn thu. Theo WB, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, thu nhập từ bán dầu của Việt Nam đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) giảm 19% và thuế xuất nhập khẩu giảm 2% do tác động giảm thuế suất.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Việt Nam nhận xét, bên cạnh những thuận lợi thì việc gia nhập WTO, các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ làm giảm nguồn thu của Chính phủ bởi tác động giảm thuế và suy giảm thương mại. Vì vậy, Việt Nam cần phải triển khai các chiến lược để huy động các nguồn lực trong nước nhằm tìm các nguồn lực bổ sung bù đắp sự suy giảm nguồn thu.
Đáng mừng hơn đáng lo!
Trước những ý kiến lo ngại xung quanh việc giá dầu thô thế giới giảm xuống mức 36 USD/thùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, điều này không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách năm 2015. Bởi, việc giá dầu thế giới đã xuống đến ngưỡng 36 USD/thùng là giá dầu kỳ hạn của các tháng trong tương lai, nên sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ thu NSNN năm nay. Theo Bộ Tài chính, năm 2015 ngân sách vẫn sẽ thu đạt và vượt mức thu dầu thô đã báo cáo Quốc hội (khoảng 65-66 nghìn tỷ đồng).
Năm 2016, Bộ Tài chính đã tính toán các phương án để tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội điều hành ngân sách một cách tích cực, chủ động nhất. Trong các phương án đưa ra, có tính đến trường hợp giá dầu xuống đến ngưỡng 35-36 USD/thùng. Nếu mức giá này kéo dài cả năm 2016, tác động giảm thu ngân sách khoảng 33-35 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm trực tiếp thu từ dầu thô khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng, giảm từ các khoản liên quan thuế xuất nhập khẩu, giá khí… khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi đánh giá tác động cần nhìn cả 2 mặt của vấn đề, đặc biệt là sau bài học rút ra từ kinh nghiệm điều hành ngân sách 2015. Cụ thể, khi giá dầu xuống 35 USD, với dự kiến nhập khẩu khoảng 12,5-13 triệu tấn xăng dầu cho năm 2016, thì tương ứng giá xăng dầu nhập khẩu cho nền kinh tế sẽ giảm 2-2,1 tỷ USD, tương đương 45 nghìn tỷ đồng.
Con số này kết hợp cùng với giá nguyên liệu đầu vào giảm theo thì nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi và theo đó sản xuất, đời sống nhân dân cũng sẽ được lợi. Khi đó, các khoản thu thuế từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên. Với nguyên do đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, cân đối ngân sách 2016 vẫn được bảo đảm, vì những tác động tích cực của giá dầu sẽ hỗ trợ nền kinh tế bảo đảm tốc độ tăng trưởng 6,5-6,7%. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế, xử lý tốt nợ đọng cũng như tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống chuyển giá sẽ là 3 công cụ quan trọng để bảo đảm cân đối NSNN năm 2016.
Trước lo ngại về việc giá dầu có thể giảm thấp hơn nữa, thậm chí xuống mức 20 USD/thùng, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định không có gì đáng lo ngại. Bởi, nguồn thu từ dầu trong tổng thu NSNN đã giảm mạnh theo thời gian. Nếu như số thu từ dầu thô của Việt Nam ở thời điểm 5 năm, 10 năm trước được duy trì ở mức độ 18-20%, thậm chí 25% tổng thu ngân sách thì giai đoạn gần đây mà cụ thể là năm 2015, số thu từ dầu thô chỉ 65-66 nghìn tỷ đồng, tương đương 6%. Con số này còn thấp hơn số nợ đọng thuế (76 nghìn tỷ đồng).
Trong dự toán thu năm 2016, số thu từ dầu khoảng 54 nghìn tỷ đồng, thấp hơn số thuế thu nhập cá nhân (dự kiến đạt hơn 65 nghìn tỷ đồng). Những căn cứ này cho thấy, số thu từ dầu thô không còn đóng vai trò quyết định đối với ngân sách như những năm trước. Điều này cũng thể hiện tính bền vững ngày càng cao của NSNN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.