(HNM) - Năm năm qua (giai đoạn 2006-2010), dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ở Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, đóng vai trò như một kênh cấp vốn cho nền kinh tế, phổ biến công nghệ và kỹ thuật hiện đại; tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo thị trường và nguồn thu cho ngân sách; thúc đẩy giao thương đối ngoại…
Thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2001-2010, Việt Nam thu hút 12.213 dự án ĐTNN, với tổng vốn đăng ký khoảng 192 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 63 tỷ USD. Sự xuất hiện của những dự án ĐTNN ở nhiều địa phương đã tạo cú hích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dây chuyền sản xuất thép tại Công ty Zamil Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
Đặc điểm nổi bật trong ĐTNN giai đoạn vừa qua là sự chuyển hướng khá mạnh của dòng vốn vào khu vực dịch vụ, tập trung vào bất động sản, du lịch, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế có mức vốn từ hàng chục, hàng trăm triệu, đến hàng tỷ USD. Lượng vốn vào khu vực dịch vụ ngày càng có xu thế áp đảo so với các khu vực khác là đáng ghi nhận bởi phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực dịch vụ trong GDP, kết hợp bảo vệ môi trường. Dòng vốn đầu tư vào dịch vụ tập trung chủ yếu vào miền Trung - vốn giàu tiềm năng nhưng còn nghèo và thiếu vốn cho phát triển, nên càng có tác động tích cực đến đời sống KT-XH…
Giai đoạn 2006-2010 đánh dấu sự quyết tâm duy trì mục tiêu tăng cường thu hút vốn ĐTNN của Việt Nam. Đại diện nhiều tập đoàn, công ty quốc tế luôn bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong đó DN Hoa Kỳ nhấn mạnh sẽ vươn lên trở thành nhà đầu tư số 1 và khoảng 80% số DN Nhật Bản khẳng định sẽ gia tăng đầu tư, mở rộng kinh doanh...
Những kinh nghiệm từ thực tế
Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, xét từ báo cáo của DN, nhiều DN ĐTNN có năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Khoảng 50% đơn vị, nhất là DN nhỏ làm ăn thua lỗ. Trong số đó, một số DN dù làm ăn thua lỗ vẫn mở rộng hoạt động kinh doanh, có dấu hiệu chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở chính quốc. Một số DN chưa tôn trọng quy định pháp luật Việt Nam, trong đó đã xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Dư luận cũng quan ngại trước thực trạng DN nước ngoài nhận nhiều đất, kể cả đất "bờ xôi ruộng mật" nhưng lại chậm triển khai dự án. Theo các chuyên gia kinh tế, còn có sự lúng túng trong việc thẩm định dự án khi đối chiếu nhu cầu đầu tư với quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng đất...
Về mặt chủ quan, nhà đầu tư mong muốn các quy định liên quan cần được điều chỉnh theo hướng phù hợp, minh bạch. Cần chú trọng kết hợp nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, tránh tình trạng ban hành văn bản chồng chéo và khó dự báo đối với nhà đầu tư.
Theo ước tính, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 cần 6.340 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước chiếm khoảng 70%. Vấn đề đặt ra là những tồn tại, hạn chế nêu trên cần được sớm khắc phục thông qua những giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh thu hút vốn ĐTNN phục vụ tăng trưởng kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.