(HNM) - Trung tuần tháng 8 vừa qua, hơn 100 trí thức, nhân tài người Việt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đang làm việc ở trong và ngoài nước đã tham dự chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Một buổi thảo luận giữa đại diện các tập đoàn công nghệ, viễn thông và các chuyên gia. |
Tự hào mang dòng máu Việt
Cách đây 72 năm, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9-1945 mở ra một kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, năm 1946 nhân sang dự hội nghị Fontainebleau - cũng là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp của nguyên thủ một nhà nước vừa giành được độc lập - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với các trí thức Việt kiều đang sống tại Pháp. Tin tưởng Người, tự hào vì nước nhà đã giành được độc lập sau hàng trăm năm là thuộc địa và với mong muốn cống hiến cho đất nước, một số trí thức Việt kiều đã theo Bác Hồ về nước. Trong đó không thể không kể đến một tên tuổi lớn là Giáo sư Trần Đại Nghĩa - người khai sinh ra ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, một số trí thức Việt kiều từ Pháp, Nhật Bản đã trở về, cùng với các trí thức yêu nước theo Bác lên chiến khu Việt Bắc. Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, các nhà khoa học đã đặt nền móng cho công cuộc xây dựng đất nước khi bản thân trở thành những người đứng đầu ngành, như Tiến sĩ triết học Trần Đức Thảo; các bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch; kỹ sư Tạ Quang Bửu... Điều đáng nói là, các trí thức, nhà khoa học đều từ bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài, sẵn sàng chấp nhận khó khăn để trở về góp sức cho đất nước.
Một vài nét chấm phá này để thấy, ngay từ khi mới thành lập nước, chính phủ ta đã đặc biệt coi trọng nhân tài. Và dù có sinh sống, học tập ở đâu, những người Việt Nam vẫn luôn hướng về quê hương, muốn được đóng góp sức mình cho đất nước. Lần này, trong số hơn 100 chuyên gia khoa học, công nghệ tham dự chương trình kết nối mạng lưới sáng tạo Việt Nam 2018, có rất nhiều tên tuổi rất đáng tự hào như Tiến sĩ Vũ Duy Thức là doanh nhân kiêm nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng tại thung lũng Silicon Valley của Hoa Kỳ. Tiến sĩ Vũ Duy Thức là chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), hiện là giám đốc điều hành và là đồng sáng lập Công ty Ohmnilabs - chuyên về sản xuất robot kết nối trực tuyến.
Trước đó, ông là đồng sáng lập của Katango và Tappy, cả hai công ty trên đều được Google và Weeby.co mua lại. Đặc biệt, Tiến sĩ Lê Viết Quốc - người làm tiến sĩ về AI tại Hoa Kỳ, đang làm việc tại Google Brain - một trong những dự án về AI lớn nhất của Google mà ông là đồng sáng lập, nổi tiếng với một trong những sản phẩm rất quen thuộc tại Việt Nam là “Google dịch”...
Ngoài ra, không thể không kể đến một loạt chuyên gia như Tiến sĩ Đỗ Bình Minh đến từ NASA; Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân - cựu chuyên gia bảo mật của Microsoft và là đồng sáng lập Công ty Veramine (Seattle, Mỹ); Tiến sĩ Bùi Hải Hưng - chuyên gia về AI, học máy và khai phá dữ liệu, đang làm việc tại Nuance Communication, Mỹ... Hằng năm có không ít chuyên gia tham gia thỉnh giảng tại một số trường đại học trong nước cùng giảng dạy kiến thức cho sinh viên, hoặc trực tiếp tham gia triển khai các dự án với các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước...
"Đặt hàng" giới thiệu công nghệ Việt ra thế giới
Tại các buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành và UBND các thành phố, các trí thức, nhân tài đều mong muốn được tham gia đóng góp vào sự phát triển đất nước. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, cá nhân ông rất tự hào vì được bắt tay các nhân tài người Việt nổi tiếng thế giới. Đó cũng là lý do mà ông Bình và ban lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, viễn thông tham gia đầy đủ các cuộc gặp với hơn 100 nhân tài, trí thức.
Đại diện cho các tập đoàn, ông Trương Gia Bình đã “đặt hàng” các chuyên gia khoa học, công nghệ 4 vấn đề: Chia sẻ, giới thiệu về các thương hiệu công nghệ của Việt Nam với cộng đồng thế giới; tư vấn cho các tập đoàn công nghệ trong nước về hướng phát triển sản phẩm; giúp thực hiện các lời giải về phát triển sản phẩm công nghệ; cùng hợp tác để đưa sản phẩm hoàn chỉnh ra thị trường quốc tế.
Ghi nhận sự thay đổi của đất nước, chuyên gia Nguyễn Kỳ Tài (hiện đang làm việc tại một trường đại học của Australia) cho biết muốn phối hợp với các tập đoàn công nghệ để cùng ứng dụng AI trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm ứng dụng robot, giám sát cây trồng, dự báo "sức khỏe" đất đai, cây trồng để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh...
Gặp mặt với lãnh đạo TP Hà Nội, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những vấn đề cốt lõi, giúp Hà Nội xây dựng thành phố thông minh. Các đại biểu đã giới thiệu những lĩnh vực cụ thể có thể áp dụng khoa học, công nghệ cao để quản lý, ứng dụng như: Quản lý giao thông, liên thông các hoạt động đô thị, chẩn đoán và điều trị ung thư... - là những vấn đề Hà Nội đặc biệt quan tâm, đã và đang tập trung đầu tư, phát triển.
Trao đổi với các nhà khoa học, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ xây dựng một số công viên phần mềm để thu hút các doanh nghiệp, nhà khoa học quốc tế đến đầu tư, làm việc. Hà Nội cũng chủ trương phát triển theo hướng hợp tác đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, thúc đẩy công nghệ phân tích dữ liệu.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị, các đại biểu tham gia kết nối với thành phố qua cổng thông tin "Startupcity.vn" của Hà Nội sắp được khai trương; và tin tưởng các nhà khoa học sẽ có môi trường thuận lợi để phát huy sở trường, có những sản phẩm ích lợi, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.