(HNM) - Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, lợi nhuận thấp, việc tiếp cận với chính sách đất đai, vốn... còn khó khăn nên DN khó đầu tư phát triển sản xuất.
Cần có chính sách phù hợp và đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong ảnh: Nuôi cấy hoa tại Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao toàn cầu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt |
Khó khăn muôn thuở
Hiện đất đai và tín dụng là những rào cản chính của DN khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện đã điều tra, khảo sát, kết quả có tới 63% DN kêu khó khăn về đất đai, 70% DN khó khăn khi tiếp cận chính sách về vốn; 77% DN kêu khó trong việc tiếp cận các chính sách về bảo hiểm...
Tại diễn đàn, hầu hết các DN đều cho rằng dù trên thực tế đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, nông dân không có quyền bán mà chỉ cho thuê hoặc liên kết nhưng DN tiếp cận với nông dân để thuê đất không dễ. Đặc thù của ruộng đất nông nghiệp là manh mún, nhỏ lẻ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người của Việt Nam chỉ có 0,25ha nên việc tích tụ ruộng đất rất khó khăn. Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) Đinh Cao Khuê cho biết, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng mẫu lớn, tuy nhiên hầu như chỉ ở quy mô nhỏ và mô hình điểm nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho DN thực hiện. Bên cạnh đó, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa, hoạt động bảo hiểm đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng.
Không chỉ gặp khó trong tích tụ ruộng đất, các DN còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay do thiếu tài sản thế chấp. Mặc dù tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi,...) của các DN có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho DN và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Đánh giá về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cũng nhận định, dù Nhà nước tạo hành lang pháp lý cho DN phát triển nhưng trên thực tế triển khai còn những bất cập, chưa đủ sức hấp dẫn nên hiệu quả thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư giữa các lĩnh vực, vùng miền còn chưa đồng đều, hiện các DN mới tập trung đầu tư ở các vùng thuận lợi và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ. Các vùng khó khăn như Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế chính sách đủ mạnh, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho DN hoạt động và phát triển. Trong đó chính sách về đất đai cần phải quan tâm hàng đầu để các DN có thể tiếp cận với nông dân trong hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về đất đai, Nhà nước cần có sự điều chỉnh về pháp lý, phương thức quản lý, hạn điền, các thủ tục chuyển đổi đất... sao cho phù hợp với đối tượng sở hữu ruộng đất hiện nay, tạo điều kiện cho DN - những người thuê đất có đầy đủ pháp lý sử dụng quyền thuê đất, tránh sự rủi ro do tranh chấp hợp đồng trong quá trình thuê đất.
Để tạo điều kiện cho DN nông nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các DN vay với lãi suất thấp và thời gian cho vay đầu tư tối thiểu là 12 năm mới có thời gian quay vòng vốn. Đồng thời, phát triển mạng lưới đầu tư đến tận nông hộ, ưu đãi đầu tư và thuế cho các ngành liên thông với nông nghiệp để tạo sự phát triển đồng bộ mới cho hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã thành lập Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc Bộ và các DN nòng cốt; Thành lập văn phòng Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) và 7 nhóm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hóa chất trong nông nghiệp, ngành hàng chung và tài chính nông nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành làm tốt vai trò của Nhà nước, xây dựng chính sách phù hợp và đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng đất có hiệu quả; đồng thời có cơ chế, chính sách về thương mại, đầu tư, hạ tầng, tín dụng, khoa học công nghệ để hỗ trợ DN phát triển, cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.