Hệ thống tàu điện ngầm tại Paris (Pháp) đang triển khai kế hoạch “khai tử” vé giấy sau 120 năm, hướng tới một tương lai "không chạm" trên phương tiện giao thông đô thị.
Theo hãng tin AFP, công ty Ile-de-France Mobilites phụ trách vận hành hệ thống phân phối vé tàu điện ngầm tại Paris từng tuyên bố sẽ xóa sổ vé giấy tàu điện ngầm trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukaine và tình trạng thiếu hụt vi mạch để sản xuất thẻ thông minh. Kết quả là mỗi năm, nước Pháp vẫn mất hơn 50 tấn giấy in vé tàu.
“Chúng tôi đang trong tâm thế khẩn trương, nhưng cuộc khủng hoảng chip toàn cầu kéo chúng tôi chậm lại”, Laurent Probst – Tổng Giám đốc Ile-de-France Mobilites – trả lời phỏng vấn AFP. Nhà vận hành này đã bắt đầu cắt giảm số lượng ga tàu điện ngầm bán vé giấy cho khách hàng và nhiều trạm kiểm soát không còn khả năng đọc vé giấy.
Ông Probst cho biết, thói quen của khách hàng đã thay đổi. Tỷ lệ vé giấy được sử dụng cho các chuyến đi nội đô đã giảm từ hơn 2/3 một năm trước xuống còn chưa được một nửa. Ông Probst dự báo vé giấy có khả năng biến mất hoàn toàn vào năm sau.
Ile-de-France Mobilites đang thúc đẩy quy trình hiện đại hóa nhiều hơn, bao gồm việc sử dụng điện thoại thông minh tại các trạm soát vé, với điện thoại Android sẽ được kích hoạt trong vòng vài tuần tới và điện thoại Apple vào năm 2023. Điều này cũng sẽ mang đến sự thay đổi lớn trong chất lượng dịch vụ của hệ thống tàu điện ngầm.
Bước nhảy vọt về hệ thống vé tàu của Paris diễn ra 20 năm sau khi tàu điện ngầm New York bỏ xu kim loại hơn 10 năm sau khi tàu điện ngầm ở London vận hành gần như không có vé giấy.
Kế hoạch thay đổi hình thức vé tàu điện ngầm đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Trong khi một bộ phận muốn mọi hành trình đơn giản hơn chỉ bằng chiếc điện thoại hay không phải tìm một máy in vé dù đặt vé từ xa, thì bộ phận còn lại cho rằng tấm vé giấy mang giá trị tinh thần và có thể lưu giữ làm kỷ niệm.
“Tôi thích cảm giác khi được sờ vào tấm vé mới. Dù thời gian có trôi qua nhưng bạn vẫn có thể giữ nó bên mình. Tôi sẽ sưu tập vé tàu điện ngầm cho đến khi nó không còn được phát hành. Và khi không còn, những tấm vé này càng trở nên quý giá hơn”, Sarah Sturman – một nghệ sĩ Mỹ sinh sống tại Paris thường xuyên dùng tàu điện ngầm để tới chỗ làm – chia sẻ.
Stefania Grigoriadou – một du khách Hy Lạp – cho biết cô thích đặt vé trực tuyến nhưng muốn giữ tấm vé đi tới công viên Disneyland Paris để làm kỷ niệm.
“Có thể tôi sẽ không còn dịp tới Paris nữa, nên tôi muốn có thứ gì đó cho con cháu xem”, Stefania bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.