Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thú chơi hoa Tết Việt Nam dưới con mắt của người nước ngoài

Trà Giang| 12/02/2010 10:47

Đó là tên bài viết vừa được mạng tin Telegraph đăng tải, giới thiệu một cách thích thú khám phá của tác giả về thú chơi đào và quất trong ngày Tết của người dân Việt Nam.


Những thân cây trụi lá, chỉ nhú vài cái nụ, không chỉ là niềm thích thú và tự hào của Le Ham. Nó còn là cả chiếc cần câu cơm của anh.

Dù cây đó nhìn thực ra chẳng có gì hấp dẫn lắm vào lúc này, nhưng Ham chắc chắn nó sẽ bật lên những nụ hoa màu hồng thật mỏng manh nhưng quyến rũ ngay trước Năm Mới – thời điểm mà người Việt Nam gọi là Tết.

Sắc đào Việt Nam làm mê đắm lòng bao du khách (Ảnh Hữu Nghị)

Trong số hơn 200 gốc đào trong vườn của Ham tại Hà Nội, gốc đào xù xì này với anh là giá trị nhất, và anh sẽ quát giá cao nhất từ những người đi mua đào về trang trí cho nhà riêng hay cơ quan của họ trong Năm con Hổ, bắt đầu vào ngày 14/2.

“Cây đào này chắc chắn sẽ đẹp”, Ham nói về cái cây cao bằng đầu người với nhiều cành khẳng khiu trồng trong một chiếc chậu gốm hình thuôn.

Vườn đào của Ham là một trong nhiều vườn đào ở Tứ Liên, nơi quanh năm thanh bình khác hẳn chốn thành phố đông nghịt cạnh đó. Nơi đây nổi tiếng là đất trồng đào cho ra những cây nở hoa đẹp. Những người dân giàu có ở Hà Nội và các tỉnh lân cận thường đến tìm mua những cây đào ưng ý, mà họ tin là sẽ giúp tránh xa những điều không may trong năm mới.

Những cây quất, lúc lỉu những quả màu vàng cỡ bằng quả bóng golf, là một loại cây ăn quả khác được trồng đặc biệt ở ngôi làng bên bờ Sông Hồng này.

“Tôi đến Hà Nội vì những cây đào và quất ở đây là đẹp nhất”, một người đàn ông trong chiếc áo sơ mi trắng nói trong khi ngắm nghía những tác phẩm của Ham. Người dân đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, ngay cạnh Hà Nội, này nói anh sẽ chi cả chục triệu đồng cho những cây cảnh anh mua tặng người thân và đối tác làm ăn.

Trong khi cây quất cũng được người dân Trung Quốc rất chuộng trong ngày Tết, nhưng Ham, 47 tuổi, nói hoa đào thì lại khác – loại cây này có truyền thuyết gắn liền với lịch sử đất nước và các đời vua Việt Nam. “Đó là truyền thống của chúng tôi”, người đàn ông có 21 năm trong nghề trồng đào, tiếp nối bước của cha ông, nói. “Tôi có niềm đam mê lớn với những bông đào chớm nở. Đó giống như là một tác phẩm nghệ thuật”.

Chỉ mới có một vài nụ chớm nở, những cây đào của Ham thiếu hẳn vẻ đẹp so với những cây trong vườn đào cạnh đó của nhà hàng xóm với những bông hoa đang khoe sắc rực rỡ dưới bầu trời trong vắt. Nhưng mục đích của Ham, với kinh nghiệp của người bao nhiêu năm chăm chút cho những gốc đào của mình, là hãm cho đào nở đúng vào 4 ngày Tết. Anh giải thích, việc này phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thời điểm bứt lá, đảo gốc. “Nếu trời mưa quá, lá đào sẽ mọc trở lại, không ai thích cả. Nếu lạnh quá, đào sẽ không ra nụ. Nếu quá nóng, anh sẽ thấy đào nở hoa từ bây giờ - điều đó có nghĩa là thất bại. Thời tiết năm nay khá thuận”.

Nguyen Chien, một người trồng đào khác đồng ý là năm nay thời tiết được. Một trong những người làm công của Chien đang loay hoay buộc cây cho khách mua. Một người khách đã trả 4,5 triệu đồng để thuê một trong những cây đào ở vườn anh. Người trồng vườn nói không thích bán đào bằng cho thuê “vì một cây như thế này phải mất vài năm mới trồng được”.

Còn Ham thì cho biết sau Tet, những cây đào cho thuê sẽ trở lại vườn. Nhiều khách hàng thậm chí đã thuê lại chính những cây này vào Tết năm sau. Ngược lại, những cây quất thì được bán và sau đó là bỏ luôn khi quả rụng hết.

Giống như đào, quất cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hoang Hai Yen, một người trồng cây cảnh khác cho biết. “Những cơn mưa tuần trước đã làm nhiều quả bị rụng”.

Ham, người trồng đào chuyên nghiệp, có vẻ như không lo lắng lắm. Một phần ba số cây của anh đã được cho thuê hoặc được bán. Số còn lại anh dự đoán sẽ sớm được bán hết – “trừ những cây quá xấu”. Người cha của ba đứa con này nói anh và những người khác đã phải mất cả năm không làm gì ngoài chăm cây. “Tôi ăn với đào, ngủ với đào” – những gốc đào mang lại cho anh thu nhập trong ngày Tết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thú chơi hoa Tết Việt Nam dưới con mắt của người nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.