Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu - chi đầu năm học: "Nóng" với khoản thu tự nguyện

Thống Nhất| 14/09/2016 07:44

(HNM) - Năm học 2016-2017, thời gian tựu trường đã bắt đầu từ ngày 15-8 nên tới thời điểm này, hầu hết các trường đã tiến hành thu các khoản thỏa thuận để kịp thời đáp ứng nhu cầu dạy, học. Đây là khoản thu không nằm trong quy định, nhưng là khoản thu hợp lý, phục vụ cho việc học tập của học sinh nên được nhiều phụ huynh đồng thuận.


Phụ huynh xem thông báo về các khoản thu đầu năm tại Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội). Ảnh: Kỳ Anh



Năm học mới, nỗi lo cũ

Năm học 2016-2017 - năm học đầu tiên các trường học trên địa bàn Hà Nội áp dụng tăng mức học phí với học sinh (HS) các cấp học theo tinh thần Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố, "quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2016-2017", mức thu học phí đối với HS theo học các chương trình giáo dục đại trà trên địa bàn Hà Nội là 80 nghìn đồng/HS/tháng (với khu vực thành thị), 40 nghìn đồng/HS/tháng (nông thôn) và 10 nghìn đồng/HS/tháng (miền núi). So với năm học trước, mức thu này được điều chỉnh tăng, trong đó, mức tăng cao nhất là 20 nghìn đồng/HS/tháng (áp dụng cho khu vực thành thị).

Ngoài học phí là khoản thu theo quy định, trong trường học hiện nay còn có hai loại khoản thu khác là thu thỏa thuận (tiền ăn, bán trú, nước uống, đồng phục, dạy - học thêm...) và thu tự nguyện (mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, sửa chữa, trang trí trường, lớp...). Các khoản thỏa thuận được coi là khoản thu hợp lý, phục vụ cho việc học tập của HS nên được nhiều phụ huynh đồng thuận. Tuy các khoản thu thỏa thuận đã được quy định rõ mức trần nhưng với một học sinh THCS, đầu năm học cha mẹ sẽ phải "lo" một khoản không nhỏ. Cụ thể, tiền chăm sóc bán trú không quá 150 nghìn đồng/HS/tháng; trang thiết bị phục vụ bán trú 100 nghìn đồng/HS/năm; học 2 buổi ngày 150 nghìn đồng/HS/tháng, tiền nước uống 12 nghìn đồng/HS/tháng... Tính sơ bộ, cả tiền học phí, bảo hiểm y tế và các khoản thu thỏa thuận trên, một HS cấp THCS đóng khoảng 1,5 triệu - 1,6 triệu đồng vào thời điểm đầu năm học. Với học sinh tiểu học, số tiền phải nộp đầu năm vào khoảng gần 1 triệu đồng vì được miễn học phí.

"Nóng” nhất vẫn là khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của lớp, trường. Đây là khoản thu mà mỗi đầu năm học đều gây nhiều bàn luận. Theo quy định, nếu kinh phí ngân sách và khoản thu học phí chưa đáp ứng được nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học thì các trường được phép huy động sự đóng góp của phụ huynh, nhưng phải tuân theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp. "Tuy nhiên, khoản đóng góp tự nguyện nhiều khi không xuất phát từ nhu cầu dạy học, mà chỉ đáp ứng nhu cầu của một nhóm, hoặc một phần việc không quá cấp bách. Thậm chí, có nơi thu các khoản tự nguyện để lắp rèm cửa, bóng đèn mà kẻ dòng, ghi tên, viết rõ số tiền quyên góp của từng phụ huynh. Trong tình cảnh ấy, thử hỏi ai dám không tự nguyện?" - chị Nguyễn Thu Ngân, phụ huynh HS Trường THCS Thạch Bàn, quận Long Biên chia sẻ. Đến thời điểm này, hầu hết các trường chưa tổ chức họp phụ huynh, các quận, huyện, thị xã chưa phê duyệt các khoản thu. Tuy nhiên, theo "kinh nghiệm" của những năm trước thì các khoản thu cũng khá phong phú, mức thu cũng rất khác nhau tùy thuộc nhu cầu của từng trường. Ngay như Quỹ phụ huynh cũng mỗi nơi một khác: Quận Hà Đông mức thu từ 300 đến 500 nghìn đồng/phụ huynh/học kỳ; tại quận Ba Đình không quy định chung và mức đóng góp cũng dao động 200-300 nghìn đồng/phụ huynh/kỳ; tại các trường THPT thì mức đóng góp quỹ còn cao hơn nhiều. Trước áp lực của dư luận về các khoản thu đầu năm, nhiều trường đã lùi thời điểm thu các khoản tự nguyện này vào tháng 10, thậm chí cuối học kỳ; có khoản như bảo hiểm y tế được chuyển sang học kỳ II.

Chỉ thu khi được cấp quản lý phê duyệt

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, năm học 2016-2017, đối với khoản khác ngoài học phí, trong đó bao gồm cả khoản thu tự nguyện, Hà Nội vẫn áp dụng theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Theo đó, khi thu các khoản đóng góp tự nguyện, nhà trường phải tuân thủ theo đúng quy trình 4 bước với những phần việc bắt buộc, tuyệt đối không được "làm tắt" để đạt được sự tự nguyện. Đây là cơ sở giúp các trường triển khai thực hiện, cũng là căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra.

Theo quy định thì sau khi thống nhất kế hoạch, dự trù kinh phí mua sắm, nhà trường phải công khai thông tin trong ít nhất một tuần để tiếp thu góp ý, và chỉ được triển khai sau khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp (UBND quận, huyện, thị xã). Song, vì nhiều lẽ không ít nơi "quên" hoặc "làm tắt" quy trình. Cũng theo phụ huynh Nguyễn Thu Ngân, nỗi bức xúc của phụ huynh nhiều khi không hẳn vì số tiền phải đóng khá nhiều, mà là do cách làm thiếu công khai, minh bạch.

Tây Hồ là một trong những đơn vị sớm triển khai hướng dẫn về công tác thu - chi năm học 2016-2017 tới từng nhà trường, trong đó đặc biệt lưu ý đến những thành viên trong Ban giám hiệu và kế toán, bởi đây là những người trực tiếp triển khai phần việc vốn khá phức tạp này. Theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, ngày 20-9 là hạn cuối cùng để phê duyệt kế hoạch và dự trù kinh phí (bao gồm các nội dung như thu, mức thu, chi cụ thể) của từng trường. Mọi khoản thu trước thời điểm quy định đều là sai, phải trả lại cho phụ huynh và hiệu trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết: Năm học 2016-2017, Hà Đông có 76 trường học. Trên cơ sở điều kiện và nhu cầu thực tế, các trường đang xây dựng dự toán thu - chi để gửi phòng GD-ĐT tập hợp, sau đó trình UBND quận thẩm định, phê duyệt, chưa có trường nào tổ chức thu các khoản đóng góp tự nguyện vào thời điểm này. Dự kiến, khoảng đầu tháng 10-2016, sau khi UBND quận phê duyệt tờ trình về thu - chi, các nhà trường mới được tổ chức thực hiện.

Trên thực tế, việc kiểm soát tình hình thu góp các khoản tự nguyện tại cơ sở không đơn giản. Khi được hô hào, ngay cả khi thấy đó là khoản không hợp lý, không cấp thiết, chẳng hạn như phụ huynh đã sắm đủ đồ dùng cho con nhưng khi vào học vẫn được yêu cầu mua bảng, đồ dùng; thậm chí có nơi còn muốn mua máy chiếu, điều hòa mới... nhưng hầu hết phụ huynh đều ngại nêu ý kiến phản biện. Có phụ huynh muốn phản ứng nhưng lại sợ con bị "để ý" - điều chẳng ai muốn khi đưa con đến trường.

Cơ quan chức năng đã có nhiều quy định, hướng dẫn về công tác thu - chi đầu năm học. Dù vậy, nỗi lo về các khoản thu trong trường học dường như vẫn là điệp khúc khó dứt mỗi dịp đầu năm học mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu - chi đầu năm học: "Nóng" với khoản thu tự nguyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.