(HNMO) - Ngày 18-1, tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), Bộ GTVT đã long trọng tổ chức lễ thông xe kỹ thuật toàn tuyến Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
Đến dự lễ thông xe có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương liên quan. Về phía Nhật Bản có Ngài Hiroshi Fukada-Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm về Thủ đô Hà Nội. Dự án có mục tiêu là giảm thiểu ách tắc tai nạn giao thông, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, nâng cao tốc độ chạy xe, đặc biệt là đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các vùng lân cận, phục vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực phía Bắc.
Ông Nguyễn Ngọc Long-Tổng giám đốc Ban QLDA 2 (Bộ GTVT), đại diện đơn vị chủ đầu tư cho biết: dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư là 10.004 tỷ đồng trong đó, phần vốn vay ODA Nhật Bản 6.664 tỷ đồng và phần vốn đối ứng Việt Nam là 3.340 tỷ đồng. Tổng chiều dài của dự án là 63,8 km đi qua 3 địa phương là: TP Hà Nội (dài 23,8km), Bắc Ninh (dài 8,2km) và Thái Nguyên (dài 31,8km), với quy mô bề rộng nền đường là 34,5m, trong đó: Đoạn Ninh Hiệp - Sóc Sơn (dài 26,9km) có bề rộng mặt đường là 21m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng xe khẩn cấp và đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên (dài 36,9km) có bề rộng mặt đường là 18m với 4 làn xe chạy và 2 dải an toàn. Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp gồm: Gói PK1- A; PK1- B; PK1- C và Gói thầu PK2 do các Nhà thầu mạnh trong nước thi công, dưới sự giám sát của Liên danh Tư vấn NIPPON KOEI - JBSI và TEDI. Sau 4 năm tích cực triển khai, dự án đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện thông xe kỹ thuật toàn tuyến. Trước đó, Bộ GTVT đã thông xe kỹ thuật 31,8 km đường cao tốc đầu tiên thuộc gói thầu PK2 địa phận tỉnh Thái Nguyên vào tháng 7-2013. Do chậm giải phóng mặt bằng, nên một số đoạn thuộc gói thầu PK1 – C: Km22+860 – Km24; PK2: Km31+480 – Km31+600, Km31+820 – Km31+937 chưa đạt độ lún theo thiết kế, vì vậy để bảo đảm thời gian thông xe sẽ phải thực hiện các phương án xử lý kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn và êm thuận. Những đoạn đường nói trên sẽ tiến hành cắm biển theo dõi chờ lún và bù lún trong quá trình khai thác.
Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: để thực hiện đoạn đường dài 23,8km đoạn qua địa phận Hà Nội, TP đã phải thu hồi 229,6ha, liên quan đến trên 6.400 hộ dân. Do điều chỉnh cơ chế chính sách nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, TP Hà Nội đã có những giải pháp linh hoạt với quyết tâm cao để sớm hoàn thành khâu thu hồi mặt bằng bàn giao đất cho chủ đầu tư phục vụ thi công, góp phần đưa dự án về đích đúng tiến độ. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để quản lý, khai thác hiệu quả tuyến đường.
Phát lệnh thông xe toàn tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực của Bộ GTVT, các địa phương nơi dự án đi qua đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; biểu dương các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nhà thầu và đội ngũ cán bộ, công nhân đã có nhiều cố gắng trong suốt 4 năm qua để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã giành cho Việt Nam nguồn vốn ODA quý báu để giúp phát triển kế cấu hạ tầng giao thông… Thủ tướng nhấn mạnh: đây là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm này và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần phát triển bền vững đối với Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh và tỉnh phía Bắc. Lãnh đạo 3 địa phương cần tiếp tục chăm lo công ăn việc làm, sớm ổn định đời sống cho đồng bào đã vì dự án mà phải di dời giải phóng mặt bằng; rà soát lại quy hoạch để khi dự án đi vào khai thác có kế hoạch bố trí phát triển xây dựng, công nghiệp, bố trí dân cư phù hợp để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Đặc biệt, qua công trình này, Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương rút kinh nghiệm để triển khai các công trình khác được nhanh hơn, hiệu quả hơn nữa...
Theo quy định của Bộ GTVT, các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc bao gồm: xe ô tô con, ô tô khách, xe tải, xe công – ten - nơ từ 20 đến 40 fit. Các phương tiện không được lưu thông trên đường cao tốc bao gồm: xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy, nổ, xe quá khổ, quá tải. Trong thời gian khai thác ban đầu chỉ cho phép các phương tiện di chuyển với tốc độ tối đa 80Km/h theo hai chiều đi, trừ các đoạn sau: Đoạn chờ lún đầu cầu Phù Lôi (Km31+480 ~ Km31+937): 60km/h theo hai chiều đi; Nút giao bằng cầu vượt Phổ Yên: Điều khiển bằng đèn tín hiệu giao thông cho cả 2 chiều đi và về; Khu công nghiệp Yên Bình (Km43+710 ~ Km44+114): 60km/h theo chiều đi Thái Nguyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.