Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin trên các trang mạng về chất lượng không khí chỉ mang tính tham khảo

Bảo Hân| 02/10/2019 18:11

(HNMO) - Chiều 2-10, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thông tin cụ thể về chất lượng không khí của thành phố Hà Nội hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Thông tin trên các trang mạng về chất lượng không khí chỉ mang tính tham khảo

Nêu quan điểm khi trên mạng xã hội có nhiều chia sẻ về Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới khiến người dân hoang mang, lo lắng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu cho người dân phát triển. 

Trong đó, có những trang mạng công bố chất lượng không khí trên toàn cầu như Airvisual, PAM air... Đây là trang mạng nước ngoài thu thập thông tin từ nhiều loại trạm quan trắc chất lượng không khí khác nhau, như các trạm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hay trạm của các đại sứ quán, các doanh nghiệp và một số đầu mối các trang mạng đặt hàng để truyền thông tin.

“Để đo được nồng độ bụi mịn PM2.5, trước đây rất khó khăn. Thời gian gần đây có những công nghệ hiện đại cho phép đo mật độ hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, có những phương pháp chính thống các quốc gia trên thế giới lắp đặt thiết bị chuẩn, vận hành đúng quy trình thì số liệu bảo đảm hơn.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có thiết bị đo cầm tay nhỏ gọn cho ra kết quả tức thời nhưng độ chính xác không bằng những thiết bị đã được chuẩn hóa. Do đó, thông tin trên các trạng mạng về chất lượng không khí chỉ mang tính tham khảo. Người dân có thể theo dõi số liệu chính thức trên trang moitruongthudo.vn hay các trang mạng của Tổng cục Môi trường”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

Ông Lê Công Thành cũng khẳng định, thời gian tới, các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều có kế hoạch lắp đặt thêm trạm đo chất lượng không khí để cảnh báo kịp thời hơn cho người dân vào mùa chất lượng không khí sụt giảm.

“Sự sụt giảm này xảy ra có nơi, có lúc. Nơi lắp đặt thiết bị đo là hết sức quan trọng. Ví dụ, nếu đặt thiết bị gần nguồn phát thải bụi mịn sẽ cho ra kết quả nồng độ cao nhưng không đại diện cho cả khu vực rộng lớn xung quanh đó. Do đó, để có số liệu tốt hơn, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo”, ông Thành cho hay.

Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng trả lời tại họp báo Chính phủ. Ảnh: Zing.vn

Cùng trả lời tại họp báo Chính phủ về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nêu, chiều 1-10, tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Hà Nội đã cung cấp thông tin liên quan đến ô nhiễm không khí trên địa bàn.

Hiện, Hà Nội đang bước vào thời điểm có biến đổi khí hậu. Nhiều năm nay, khi chuyển mùa, thành phố đều có hiện tượng này. Những ngày qua, theo thông tin từ cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết không có gió, không có mưa đã tạo lớp sương mù. Thành phố hiện có 11 trạm quan trắc theo tiêu chuẩn Việt Nam để quan trắc tất cả các chỉ số về không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Kết quả quan trắc những ngày qua cho thấy các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn, còn riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng.

“Hà Nội xác định công bố chất lượng không khí thường xuyên và hằng ngày. Các trạm quan trắc đều 5 phút chuyển kết quả về trung tâm một lần. Các trang web của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và hệ thống các cơ quan báo chí Thủ đô, trong đó có Báo Hànộimới đều thông tin đầy đủ, thường xuyên về chất lượng không khí”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, môi trường không khí bị ô nhiễm phải xác định nguyên nhân gây ô nhiễm. Vì thế, việc là đo và đánh giá phải chuẩn, cần lấy số liệu được quy chuẩn ở Việt Nam để có thông tin chính xác.

Hà Nội cũng đã xác định nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, không khí, trong đó có khí thải từ ô tô, xe máy, từ việc đun than tổ ong, phá dỡ công trình xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng và hiện tượng một số người dân vùng ngoại thành đốt rơm rạ, rác thải, bụi rác thải… 

Những năm gần đây, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí, phấn đấu đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc lắp đặt 25 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn thành phố; tập trung xử lý các nguồn xả thải để không ảnh hưởng đến môi trường không khí, như thu gom rác, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy đốt rác, che chắn công trình thi công, kiểm soát phương tiện đang xả thải ra môi trường, giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công công; tăng cường tuyên truyền nhân dân trồng thêm cây xanh.

Ngoài ra, Hà Nội phát động chiến dịch những “cánh đồng không đốt rơm rạ” nhằm bảo đảm môi trường không khí, đồng thời hướng dẫn người dân có biện pháp phòng tránh khi môi trường bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin trên các trang mạng về chất lượng không khí chỉ mang tính tham khảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.