(HNM) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được trình Quốc hội xem xét phê chuẩn.
- Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về những cơ hội của Việt Nam khi tham gia CPTPP và những lĩnh vực nào sẽ hưởng lợi từ Hiệp định quan trọng này?
- Cơ hội lớn với Việt Nam, theo tôi là thuế quan và điều này sẽ hỗ trợ các ngành may mặc, da giày, thực phẩm chế biến. Nhưng thách thức sẽ đến với các lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng trọt và tài chính. Điều chúng ta phải hết sức lưu ý đó là, CPTPP là một hiệp định tự do (FTA) tiến bộ và toàn diện. Do đó, khi chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Hiệp định CPTPP sẽ hỗ trợ cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
- Theo ông, khi tham gia CPTPP, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?
- Như chúng ta thấy, trong 11 quốc gia thì GDP của Việt Nam thấp hơn so với 10 quốc gia khác. Tuy nhiên, chúng ta lại có một thị trường rất tiềm năng, với dân số 95 triệu dân và các nước rất quan tâm đến thị trường này.
Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh thuận lợi thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những thách thức nhất định, đòi hỏi phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường ngay tại “sân nhà” cũng như quốc tế.
Đặc biệt, với lĩnh vực nông nghiệp, theo tôi phải tổ chức lại sản xuất, người nông dân phải dần quen với sản xuất lớn. Cũng cần có những cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chắc chắn sẽ gặp trở ngại từ các quốc gia còn lại tham gia CPTPP.
- Ông đánh giá thế nào về các chính sách pháp luật của Việt Nam khi tham gia CPTPP?
- Khi chưa có CPTPP thì chúng ta vẫn đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội cũng đang bàn luận ban hành luật mới để sửa đổi các luật cũ. Việc gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy nhanh hơn tốc độ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để chúng ta chấp hành đúng những gì đã ký kết.
Có một điểm lưu ý, mặc dù có 11 quốc gia trong CPTPP, nhưng trong đó đã có 8 nước mà Việt Nam đã ký kết về hiệp định thuế quan. Vì vậy, khi có thêm CPTPP sẽ có cơ hội mở rộng việc cắt giảm các dòng thuế nhiều hơn, từ đây sẽ tác động đến phát triển kinh tế. Dự báo, xuất - nhập khẩu và GDP sẽ tăng sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định CPTPP.
- Theo ông, việc đầu tiên chúng ta phải làm sau khi gia nhập CPTPP là gì?
- Đó chính là thông tin. Phải cung cấp thông tin thật nhiều và rộng rãi đến các doanh nghiệp để họ thấy rõ được cơ hội và thách thức.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.