(HNMO) - Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ, ngành trung ương về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 ngày 21-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo, xin ý kiến Phó Thủ tướng về phương án tổ chức kỳ thi này trong điều kiện ứng phó với dịch Covid-19. Hôm nay, 22-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin rõ hơn về các nội dung liên quan đến phương án này.
Học sinh có 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8-2020. Mục đích của kỳ thi là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên và bài thi tổng hợp khoa học xã hội. Trong đó, bài thi khoa học tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn: Vật lý, hóa học và sinh học; bài thi khoa học xã hội đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn: Lịch sử, địa lý và giáo dục công dân; đối với thí sinh giáo dục thường xuyên gồm tổ hợp của 2 môn: Lịch sử, địa lý.
Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội; riêng học viên giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc: Toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Đề thi dễ hơn và giảm độ phân hóa
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước. Với bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong mỗi phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Đề thi sẽ dùng chung cho cả thí sinh giáo dục THPT và học viên giáo dục thường xuyên.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản. Nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT và điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
UBND tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức kỳ thi
Kỳ thi THPT do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức. Các tỉnh, thành phố sẽ thành lập hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình.
Công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường để hướng tới kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan. Dự kiến, ngoài lực lượng thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo, sẽ có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, công tác coi thi và chấm thi.
Lý giải về sự cần thiết phải tổ chức kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông là cần thiết, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh. Kỳ thi cũng góp phần duy trì nền nếp dạy, học trong các nhà trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.