(HNMO) - Ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã ký ban hành Quyết định số 219/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz. Đáng chú ý, giá khởi điểm với một khối băng tần (30MHz) là trên 5.798 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Cùng với việc ban hành quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.
Theo đó, điều kiện tham gia đấu giá được quy định tại Điều 11 Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1-10-2021 của Chính phủ quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Doanh nghiệp tham gia đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G), theo nguyên tắc triển khai công nghệ nào sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced, IMT-2020).
Có 3 khối băng tần được đấu giá, gồm: A1 (2.300-2.330MHz), A2 (2.330-2.360MHz), A3 (2.360-2.390MHz). Riêng khối băng tần 2.390-2.400MHz được quy hoạch làm băng tần bảo vệ, không đấu giá lần này. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Giá khởi điểm được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 88/2021/NĐ-CP. Giá khởi điểm của cả 3 khối băng tần A1: 2.300-2.330MHz; A2: 2.330-2.360MHz; A3: 2.360-2.390MHz đều là trên 5.798 tỷ đồng/khối. Bước giá với cả 3 khối là 10 tỷ đồng/khối.
Tiền đặt trước được quy định tối thiểu là 5%, tối đa là 20%. Cụ thể, tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá với 3 khối băng tần là 580 tỷ đồng/khối. Hình thức tổ chức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá.
Các khối băng tần được đấu giá lần lượt theo thứ tự khối A1, khối A2 và khối A3. Doanh nghiệp đã trúng đấu giá một khối băng tần thì không được tham gia đấu giá các khối băng tần tiếp theo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra yêu cầu thời hạn triển khai mạng 4G và 5G sử dụng băng tần 2.300-2.400MHz. Đáng chú ý, yêu cầu với nhà mạng triển khai mạng 5G sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép: Phủ sóng tối thiểu 200 địa bàn hành chính cấp huyện và tối thiểu 1.000 địa bàn hành chính cấp xã; triển khai tối thiểu 15.000 trạm BTS 5G đến hết thời hạn của giấy phép…
Như vậy, với quyết định này, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để sớm tổ chức đấu giá, cấp phép băng tần 2.300-2.400MHz - được quy hoạch cho dịch vụ 4G, để các nhà mạng trong nước có thêm tần số cung cấp dịch vụ 4G, 5G bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng; đồng thời giải quyết thực trạng thiếu băng tần cho phát triển mạng 4G, 5G hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.