(HNMO) - Chiều 12-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Theo dự thảo Nghị quyết, có hai trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đó là: Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, và khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng đơn vị hành chính.
Thảo luận về nội dung này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là việc rất quan trọng, nhạy cảm, phức tạp. Do đó, việc thực hiện phải rất thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả, chắc chắn. Nơi nào có đủ điều kiện thuận lợi thì làm trước. Việc sắp xếp cần chú trọng tới các yếu tố đặc thù về: Lịch sử, truyền thống văn hóa, tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng, phong tục tập quán…
Cùng với đó, cần quan tâm các nội dung về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…
Cho ý kiến về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chỉ có một số loại giấy tờ cần chuyển đổi chứ không nhất thiết phải đổi tất cả các giấy tờ cá nhân.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với cá nhân thì việc đổi hộ khẩu là bắt buộc vì có thay đổi địa chỉ chỗ ở; còn cấp lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước là không bắt buộc; chỉ đổi khi công dân có nguyện vọng (không mất phí). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không phải đổi. Đối với doanh nghiệp thì cập nhật bổ sung thông tin trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu có thay đổi địa chỉ (không mất phí).
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, theo lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2021 thì trong năm 2019 cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Nghị quyết này tập trung giải quyết những vấn đề trong năm 2019 là đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Ngoài ra, khuyến khích những địa phương đồng thuận hưởng ứng sắp xếp trong đợt này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết và chuẩn bị văn bản của Đảng đoàn Quốc hội để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tại phiên họp, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Chiều cùng ngày, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc thành lập thị xã Mỹ Hào và 7 phường thuộc thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; thành lập thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.