Chính trị

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Bảo Hân 28/06/2024 - 15:27

Chiều 28-6, với 95,27% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

bquyet.jpeg
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp thứ bảy. Ảnh: media.quochoi.vn

Luật gồm 2 điều, trong đó Điều 1 gồm những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Cảnh vệ về đối tượng cảnh vệ; chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; biện pháp cảnh vệ đối với khu vực trọng yếu và giấy bảo vệ đặc biệt.

Một nội dung sửa đổi đáng lưu ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, vì đã có đối tượng cảnh vệ là Ủy viên Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với Thường trực Ban Bí thư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khoản 1 Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật) quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê các đối tượng cảnh vệ cụ thể là thống nhất với nội dung Kết luận số 35-KL/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị.

Luật Cảnh vệ hiện hành đã quy định một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và quy định “Người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư” tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật (khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 11a).

"Các chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị được quy định có cùng chế độ, biện pháp cảnh vệ là phù hợp và đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua, không phát sinh vướng mắc. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với đối tượng cảnh vệ này", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu.

Về lực lượng cảnh vệ, báo cáo nêu, hiện nay với số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, nên nhu cầu thành lập lực lượng cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rất cần thiết, trên cơ sở bố trí, điều chỉnh biên chế quân số hiện có, không làm phát sinh tổ chức, biên chế.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tránh phát sinh tăng biên chế, dự thảo Luật quy định theo hướng, trong trường hợp cần thiết, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập lực lượng cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như quy định tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.