Chiều 12-6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại quy định về đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư trong dự thảo Luật và không bổ sung quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với đối tượng cảnh vệ này do các chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị được quy định có cùng chế độ, biện pháp cảnh vệ là phù hợp và đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua, không phát sinh vướng mắc.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nguyên hai nhóm đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam gồm: Thành phần “cứng” là người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại; thành phần là khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; khách mời khác theo đề nghị của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại nội dung quy định về lực lượng cảnh vệ tại Luật Cảnh vệ hiện hành để tạo sự thống nhất ngay trong dự thảo Luật và bảo đảm thống nhất với quy định của các luật khác có liên quan; đồng thời, bổ sung cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc đơn vị cấp phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ.
Dự thảo Luật bổ sung quy định Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài là phù hợp, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ.
Để bảo đảm chặt chẽ trong việc thực hiện, dự thảo Luật đã quy định rõ việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết, khi đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực và phương tiện, thiết bị mang theo mà vẫn không đáp ứng được công tác cảnh vệ.
Trong dự thảo Luật này không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đề nghị bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ là khách mời của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Nhất trí với quy định thuê lực lượng, phương tiện cảnh vệ, ông Vũ Hải Hà cho rằng, quy trình thực hiện việc thuê phải theo hình thức rút gọn các quy định pháp luật về quản lý tài sản công.
“Thời điểm diễn ra hoạt động đối ngoại rất nhanh, chúng ta không thể thực hiện theo quy trình, quy định pháp luật trong nước để triển khai đấu thầu” - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói.
Cho biết, đại biểu Quốc hội đề nghị lực lượng Cảnh vệ chỉ tổ chức ở cấp Bộ, không tổ chức ở địa phương, đồng thời, đại biểu cũng lo lắng việc tăng biên chế và bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo giải trình cần làm rõ theo hướng lực lượng cảnh vệ tại địa phương chỉ được thành lập khi cần, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần sửa lại quy định về bổ sung đối tượng cảnh vệ là “người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư” để bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.