Chiều 22-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Bổ sung 3 chức danh được cảnh vệ
Trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, qua thời gian triển khai thi hành Luật xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung.
Về nội dung cơ bản của Luật, bổ sung giải thích một số từ ngữ; bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; chỉnh lý, sắp xếp thứ tự các chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; cụ thể sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước...
Về bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ như đã nêu, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao. “Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị”, ông Lê Tấn Tới nói.
Về sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với việc thu hẹp như dự thảo Luật.
Phù hợp với thực tiễn
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc bổ sung đối tượng được bảo vệ, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với các đối tượng không thuộc đối tượng cảnh vệ được quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Về đề xuất bổ sung 3 chức vụ lãnh đạo (Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) vào diện đối tượng cảnh vệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ điều này xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với với các quy định của Trung ương, hoàn toàn xác đáng.
Về các nội dung cụ thể về những đối tượng cảnh vệ chưa có quy định trong luật thì Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung là những trường hợp phát sinh đã tương đối ổn định, lâu dài và quy định thêm để thực hiện.
Trường hợp đặc biệt, đột xuất nhưng chưa được quy định trong luật và cũng chưa trình được Quốc hội để bổ sung thì ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định này là cần thiết trước thực tiễn linh động, phong phú; song cần có thuyết minh, giải trình kỹ hơn về trường hợp cần thiết.
Liên quan đến cảnh vệ trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thuyết minh kỹ lưỡng hơn khi trình Quốc hội như về quy định về mặt bảo vệ cụ thể và trong trường hợp phải tăng cường lực lượng, thuê xe, bảo vệ, phối hợp với các lực lượng để chủ động áp dụng những biện pháp cảnh vệ trong một số trường hợp; đồng thời cân nhắc quy định giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hay giao cho lực lượng cảnh vệ quyết định để quy định rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, qua thực tế công tác đối ngoại, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết. Bày tỏ nhất trí với việc mở rộng đối tượng cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, về việc đảm bảo nguyên tắc “có đi có lại” trong hoạt động đối ngoại, ở nước ngoài có một số vị trí rất quan trọng và đóng vai trò rất cao trong bộ máy nhà nước, tuy nhiên ở nước ta lại có vị trí nhất định, vì vậy cần linh hoạt, chủ động trong hoạt động cảnh vệ, không nhất thiết phải duy trì theo vị trí, vai trò trong bộ máy sẵn có.
“Ngoài ra, nước ta đang có được vị trí, vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế, có thể tổ chức nhiều hoạt động quan trọng trong đối ngoại quốc tế mà không nhất thiết phải có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vì vậy, cần bổ sung quy định về công tác cảnh vệ trong các hội nghị quốc tế tổ chức tại nước ta mà không phải do ta chủ trì, để đảm bảo bao quát đầy đủ thực tiễn”, ông Vũ Hải Hà nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.