(HNMO) - Theo sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, bắt đầu từ 15h chiều nay (16-11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn về các vấn đề mà đại biểu quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
17:07 16/11/2017
Để người dân khỏi sốc về "sức khoẻ" của các ngân hàngĐB Tô Văn Tám |
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ nợ xấu tuy dưới 3% nhưng vẫn ở mức cao. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng như báo cáo của Chính phủ mới đạt kết quả bước đầu. Do đó, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân vấn đề trên và liệu mục tiêu đến năm 2020 cơ bản xử lý xong nợ xấu và tổ chức tín dụng có thành hiện thực?
Tham gia tranh luận, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, báo cáo của Thống đốc trước Quốc hội đã nêu toàn bộ hệ thống tập trung giải quyết, kéo giảm nợ xấu xuống dưới 3%. Tuy nhiên, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, thực chất nợ xấu vẫn còn cao.
ĐB Bùi Văn Xuyền |
ĐB Bùi Huyền Mai (Hà Nội) thẳng thắn nêu chất vấn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải có cảnh báo thường xuyên, kịp thời về "sức khoẻ" của các ngân hàng. Thời gian tới, NHNN có đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm ngân hàng hay không, đặc biệt tiến tới công khai cho người dân biết về xếp hạng này để người dân khỏi bị "bất ngờ và sốc" khi đột nhiên có ngân hàng xếp vào diện bị... kiểm soát đặc biệt.
ĐB Bùi Huyền Mai |
Ngoài ra, vấn đề cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội và điều chỉnh mức cho vay tại chương trình tín dụng với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; thủ tục thế chấp ngân hàng để vay vốn... cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Các nội dung này sẽ được Thống đốc tiếp tục trả lời trong phiên làm việc sáng mai của Quốc hội.
17:07 16/11/2017
Ngân hàng 0 đồng tạm ổn định, lỗ lũy kế giảm dầnĐại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về kết quả xử lý 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng thời gian qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc NHNN mua lại 3 ngân hàng này đã giúp ổn định được tâm lý của người gửi tiền, tránh việc rút tiền hàng loạt, không gây ra nguy cơ đổ vỡ của toàn hệ thống ngân hàng.
Trong quá trình xây dựng phương án để giải quyết triệt để các ngân hàng này, NHNN đã đưa cán bộ sang để quản trị hoạt động, kiện toàn bộ máy điều hành. Bước đầu, các hoạt động của 3 ngân hàng tạm ổn định, lỗ lũy kế cũng giảm dần. Tuy nhiên, các ngân hàng còn khó khăn do thực trạng tài chính không sinh lời cao, chi phí gia tăng. Hơn nữa, hiện nay chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để xử lý những ngân hàng yếu kém vì chưa từng có tiền lệ.
Trước thực tế này, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức tín dụng; tìm các nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản lý kinh doanh để cùng thực hiện việc xử lý các ngân hàng này.
Phần trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng là câu trả lời cuối cùng của Thống đốc Lê Minh Hưng trong phiên chất vấn chiều nay.
16:46 16/11/2017
"Cần có quy định phù hợp để quản lý tiền ảo, tài sản ảo"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) về tiền ảo Bitcoin, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới vẫn còn đang nghiên cứu về vấn đề điều chỉnh và quản lý đồng tiền này. Khi nghiên cứu kinh nghiệm các nước, NHNN thấy cách thức quản lý vấn đề này như sau: Có một số nước cấm tuyệt đối giao dịch bằng tiền ảo Bitcoin; một số nước không thừa nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán và khuyến cáo rủi ro khi giao dịch bằng tiền ảo Bitcoin; rất ít quốc gia coi Bitcoin là phương tiện thanh toán. Quan điểm của NHNN Việt Nam và theo quy định của pháp luật hiện hành, Bitcoin không phải là đồng tiền và không phải là phương tiện thanh toán hiện nay. Tất cả các giao dịch sử dụng loại hình này đều không đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, nếu nhìn nhận Bitcoin dưới góc độ tài sản, hàng hóa, còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành như: Bộ Tư pháp nghiên cứu về khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo, trong đó có Bitcoin; NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để quản lý chặt hoạt động giao dịch bằng tiền ảo Bitcoin.
16:36 16/11/2017
Dự án BOT giao thông: Vẫn cho vay nhưng phải bảo đảm an toàn
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu, ngày 24-11 tới, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, trong đó, tổng vốn đầu tư là 118.000 tỷ đồng nhưng vốn ngân sách hiện chỉ có 55.000 tỷ đồng, cần huy động 63.000 tỷ đồng, dự kiến vay hệ thống ngân hàng trên 50.000 tỷ đồng. Đại biểu mong muốn Thống đốc Lê Minh Hưng thể hiện quan điểm về việc cho vay đối với các dự án BOT giao thông trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.
Trong phần trả lời, Thống đốc khẳng định, nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất quan trọng, nhưng vấn đề rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa báo cáo Chính phủ cần tăng cường chức năng thẩm định phương án tài chính để bảo đảm dự án khả thi và năng lực tài chính của chủ đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính thật sự. Với các dự án khả thi, ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay, đồng thời trong quá trình thực hiện, các cơ quan Nhà nước phải quản lý chặt tình hình sử dụng vốn của chủ đầu tư và những diễn biến có liên quan để không gây rủi ro cho nguồn vốn ngân hàng.
"Ngân hàng vẫn cho vay nhưng phải bảo đảm an toàn" - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
16:14 16/11/2017
Chọn thí điểm 6 ngân hàng để tập trung xử lý nợ xấuThống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn. |
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở đánh giá lại tình hình thực hiện cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2016, cũng như việc thực hiện giải pháp xử lý nợ xấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sau 5 năm, NHNN đã tổng kết toàn diện. Trên cơ sở kết quả đạt được, NHNN đã thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1058 cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 32 chỉ đạo bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu; triển khai thực hiện Quyết định 1058 cho giai đoạn 2016-2020. Đề án cũng như chương trình hành động, kế hoạch thực hiện toàn ngành có giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu nêu trong đề án, đặc biệt là 6 nhóm giải pháp như tăng cường năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát...
Về những giải pháp đột phá để xử lý nợ xấu mà đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu, Thống đốc cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. NHNN đã chọn thí điểm 6 ngân hàng để từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tập trung xử lý nợ xấu, trên cơ sở đó sẽ triển khai nhân rộng.
15:49 16/11/2017
Đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu có hồ sơ pháp lý không đầy đủĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) |
Theo Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng, Nghị quyết 42 của Quốc hội là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng và hữu ích cho hệ thống các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát những vướng mắc về pháp lý và thực tiễn trong quá trình xử lý nợ xấu. NHNN đã rất quyết tâm báo cáo dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tại Kỳ họp trước. Nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 15-8 và NHNN đã có nhiều giải pháp triển khai cụ thể.
"Trong xử lý nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được điều tra, kê biên tài sản, chúng tôi đã chỉ đạo tổ chức tín dụng, công ty mua bán và xử lý nợ xấu VAMC tiếp tục báo cáo, làm việc với cơ quan chức năng, trên cơ sở từng vụ việc cụ thể, nếu đã có kết luận hoặc đồng ý thì có thể nhận tài sản để tiến hành xử lý. Thời gian tới, đây là nhiệm vụ trọng tâm mà các tổ chức tín dụng sẽ phải tiếp tục thực hiện" - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Về một số khoản nợ xấu có hồ sơ pháp lý không đầy đủ, theo Thống đốc, các khoản nợ này chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Trong quá trình thực hiện, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho các tài sản này, đặc biệt là bất động sản. Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương, toà án, cơ quan thi hành án các cấp ... xử lý trong thời gian sớm nhất.
15:22 16/11/2017
Đại biểu "truy" Thống đốc Ngân hàng về nợ xấu
Là người đầu tiên nêu chất vấn, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (tỉnh Hà Nam) nêu, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu với các tổ chức tín dụng được hy vọng đánh tan "cục máu đông" của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mà một trong những lý do được đưa ra là sự chưa hoàn thiện về hồ sơ pháp lý. Vậy, sự chưa hoàn thiện này là gì và giải pháp nào để khắc phục?
Các đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) và Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cùng có chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giải quyết nợ xấu, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai). |
"Nợ xấu, tài sản bảo đảm xấu đang là thách thức lớn trong việc hợp nhất một số tổ chức tín dụng và mua bắt buộc một số ngân hàng giá 0 đồng vừa qua, khiến nhân dân, người gửi tiền bất an, lo lắng. Vậy Thống đốc có giải pháp đột phá nào để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, thu hút các nhà đầu tư tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém trong điều kiện nguồn lực tài chính của nhà nước còn hạn chế?" - đại biểu Đinh Duy Vượt hỏi.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng muốn Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra giải pháp trọng tâm để việc xử lý nợ xấu đạt kế hoạch đề ra, lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng thời gian tới.
15:07 16/11/2017
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu nêu về việc điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý như thế nào, giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.