Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông điệp về tình yêu thương con người

Bảo Nga| 23/02/2014 05:43

(HNM) - Tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh được

Suốt 30 năm sống chết với nghề, chị là thầy của biết bao thế hệ học trò; là giám đốc của một trường đào tạo nghề, là nhà tạo mẫu tóc danh tiếng... Nhưng với tôi và những người yêu quý chị, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Quý đơn giản là một người phụ nữ đam mê tóc. Và chính sự đam mê đầy chất nghệ sĩ ấy đã đưa chị chạm ngõ hội họa với một trường phái mới: Vẽ tranh bằng tóc...


Đến với nghề từ một chữ "duyên"

Tôi tìm gặp nghệ nhân Kim Quý vào một sớm đầu năm, khi những hạt mưa xuân nhẹ nhàng rắc một màn sương mỏng lên những chồi non mơn mởn. Phố phường Hà Nội như tươi mới một sắc xanh. Căn gác của chị nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Siêu. Cánh cửa sắt khép lại sau lưng những ồn ào phố xá, đưa khách lạc vào một thế giới "đậm đặc" sắc màu của gia chủ. Thế giới của niềm đam mê tóc.

Gặp nghệ nhân Kim Quý, ít ai ngờ năm nay chị đã bước qua tuổi lục tuần. Bởi dáng vẻ thanh thoát, trẻ trung, phong cách hiện đại và nụ cười "không có tuổi". Càng bất ngờ hơn khi biết chị trưởng thành từ môi trường quân ngũ. Sinh ra và lớn lên giữa thời bom đạn, tuổi thơ của Kim Quý hằn sâu cảnh bom rơi, đạn nổ, nhà sập, thành phố chìm trong khói lửa... Năm 16 tuổi, cô gái đất Cảng mạnh dạn viết quyết tâm thư, xung phong vào quân ngũ. Hơn 6 năm lần lượt làm chiến sĩ thông tin ở đơn vị tên lửa 274, rồi Trung đoàn 234, Trung đoàn 212, Kim Quý luôn là một trong những chiến sĩ dẫn tiêu đồ xuất sắc của đơn vị. Có mặt tại Hà Nội trong trận chiến lịch sử "Điện Biên Phủ trên không", có những lúc chị dẫn tiêu đồ liên tục suốt 24 giờ, mười ngón tay kẹp chì luôn giữ vững thông tin liên lạc, góp một phần nhỏ bé vào trận chiến không kích B-52 lịch sử. Sau một lần bị thương trong khi làm nhiệm vụ, năm 1973 Kim Quý xuất ngũ, làm công nhân tại Nhà máy Dệt 8-3. Nhờ có chút "tài lẻ" trong tổ chức văn nghệ và đôi tay khéo léo khi thiết kế những giáo cụ trực quan sinh động, chị trở thành cô nuôi dạy trẻ trong nhà trẻ của nhà máy. Chị bảo, chính sự tận tâm với nghề dạy trẻ đã cho chị những vốn kiến thức sư phạm, khả năng nắm bắt tâm lý rất hữu ích cho công tác giảng dạy sau này. Do vết thương, sức khỏe dần một yếu, không đảm nhận được việc chăm sóc trẻ, một thời gian sau chị đành xin nghỉ mất sức.

Vật lộn với đủ thứ nghề để mưu sinh, năm 1984, cơ duyên tình cờ đưa chị đến với nghề làm tóc. "Chạm ngõ" với nghề khi tuổi đời không còn trẻ, trong điều kiện nghề mới chưa có giáo trình, thiếu thốn trăm bề... Nhưng bù lại, lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo và bản tính thông minh đã giúp chị nhanh chóng lĩnh hội được những tinh hoa, phẩm chất cần có của nghề, từng bước tạo được chỗ đứng vững chắc trong làng tạo mẫu tóc Việt Nam. Ngay từ cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong đầu tiên, cái tên Kim Quý đã được khẳng định khi chị được mời đảm nhiệm công việc tạo mẫu tóc cho các thí sinh dự thi. Những năm đầu thập kỷ 90, tên tuổi chị một thời "làm mưa làm gió" khắp Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Không chỉ giỏi nghề, ước mơ được đứng trên bục giảng, truyền nghề cho những lứa học trò của chị trở thành hiện thực khi Trường Đào tạo tóc Kim Quý ra đời, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Rất nhiều học trò sau khi tốt nghiệp khóa học của chị đã trở thành những nhà tạo mẫu tóc có tên tuổi. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Kim Quý đã dành trọn tâm huyết và đam mê để sáng tạo nên những kiểu tóc hiện
đại, trẻ trung, phù hợp với thị hiếu và tôn vinh giá trị của người phụ nữ. Hằng ngày, được tiếp xúc, chăm chút cho mỗi mái tóc, trong đầu chị bỗng nảy ra ý tưởng độc đáo, đó là làm một chiếc áo dài từ tóc. Mất trọn 3 năm miệt mài sáng tạo, gần một triệu mét tóc của phụ nữ thuộc 54 dân tộc sinh sống dọc chiều dài đất nước đã được chị dày công và khéo léo móc thành chiếc áo dài "độc nhất vô nhị". Chiếc áo dài với hình con rồng cách điệu phía trước và bản đồ Việt Nam hình chữ S ở tà áo phía sau được phối cùng chiếc mũ với hình ảnh tháp Rùa đã trở thành món quà đầy ý nghĩa của một người yêu Hà Nội thành kính dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tác phẩm này sau đó cũng vinh dự có tên trong cuốn Kỷ lục Việt Nam.

Những bức tranh được làm từ... tóc!

Những tưởng đã tạm hài lòng với những thành công có được, nhưng tình yêu nghệ thuật và sức sáng tạo của nghệ nhân Kim Quý dường như không ngại tuổi. Vừa hoàn thành chiếc áo dài từ tóc, chị quyết định chạm ngõ hội họa bằng một chất liệu riêng: Vẽ tranh bằng tóc! Tác phẩm đầu tiên được chị chọn thể hiện là bức vẽ Chúa Giê-su theo trường phái tranh trừu tượng. Không kinh qua bất cứ trường lớp nào về hội họa, không có một người thầy hướng dẫn, nghệ nhân Kim Quý mày mò tự học vẽ qua sách vở, qua internet... Quy trình làm một bức tranh tóc của chị vô cùng công phu. Từ công đoạn phác thảo, xử lý màu tóc đến bôi keo, nghiền tóc thành bột để bả tranh thành nhiều lớp nhằm tạo độ sâu, độ chắc cho tác phẩm... Chị tâm sự: "Khó nhất là công đoạn xử lý màu tóc và chọn keo. Để có một bức tranh với các gam màu thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc, tôi phải xử lý tóc thành hàng chục màu khác nhau. Sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu, tôi đã học được cách giữ màu cho tóc không phai mà ngày càng thắm hơn với thời gian. Nhưng nếu không chọn đúng keo chuẩn để kết dính, khi lên tranh, tóc sẽ bị chuyển màu. Khi đó, chỉ còn cách duy nhất là gỡ hết ra làm lại...". Sau khi thử nghiệm hàng chục loại keo khác nhau, cuối cùng chị cũng tìm ra được loại keo ưng ý. Khi đã có đủ nguyên liệu, nghệ nhân Kim Quý phải tỉ mẩn dùng kẹp gắp từng sợi tóc, ghép chúng lại theo những chi tiết nhỏ theo đúng nguyên tác. Công đoạn này đòi hỏi sự chính xác, công phu và tỉ mỉ đến từng milimét. Tất cả những ai từng được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm của chị đều trầm trồ thán phục trí tưởng tượng, đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ đã đem đến cho hội họa một tác phẩm độc đáo, đầy tính nghệ thuật.

Dẫn tôi leo lên những bậc cầu thang xoắn ốc cao chót vót, phòng tranh của chị hiện ra ngay trên khoảng sân rộng trên nóc tầng ba của căn nhà. Tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh được làm từ tóc của chị mới thấy sức làm việc của "người đàn bà tóc" thật đáng khâm phục. Những bức tranh được làm hoàn toàn bằng chất liệu tóc, được vẽ bằng một trái tim nhiệt huyết và xúc cảm khiến tranh tóc của nghệ nhân Kim Quý có nét đẹp rất riêng, không thể trộn lẫn. Từ bức tranh "Chúa Giê-su", "Cô gái Nhật Bản", chân dung con gái, chân dung tự họa... đều đem lại cho người xem một góc nhìn mới mẻ, dạt dào cảm xúc. Tất cả những bức họa đều được chị thực hiện về đêm, khi những ồn ã của cuộc sống đời thường đã lắng xuống, khi công việc ngày thường đã gác lại... Hơn một năm nay, nghệ nhân Kim Quý đang dốc sức hoàn thiện bức tranh tóc "Phật bà Quan Âm" có kích thước 1,8m x 1,4m với sự đồng lòng của nhiều phật tử trong cả nước. Trong cuốn sổ lưu niệm ghi lại tên tuổi, địa chỉ và bút tích của những phật tử từng tặng tóc cho chị để làm tranh, có cả những cụ bà đã ngoài 80 tuổi sẵn sàng dâng tặng cả mái tóc bạc, cho đến những nam thanh, nữ tú tóc còn xanh. Để hoàn thiện những bức tranh tóc, nghệ nhân Kim Quý không chỉ trông chờ vào nguồn tóc được tặng, mà chính nhiệt thành của những người yêu tranh tóc đã giúp chị được truyền thêm "lửa". Trong tương lai không xa, nghệ nhân Kim Quý mơ ước sẽ có thêm nhiều tác phẩm để mở một triển lãm về tranh tóc để thỏa mãn niềm đam mê với tóc của chị và cũng để công chúng biết thêm một loại hình nghệ thuật mới, một tiếng nói truyền tải những thông điệp về tình yêu thương tới con người...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp về tình yêu thương con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.