Văn nghệ

Hãy về với yêu thương

Đặng Huy Giang 07/04/2025 - 12:04

Thơ Nguyễn Sỹ Bình, xét về mặt cốt lõi, là những khúc độc thoại tâm tình nói chung và là những khúc độc thoại về tình yêu nói riêng.

Tác giả như trải lòng với những năm tháng đã qua bằng những ấn tượng buồn vui nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình qua những bài thơ như được thăng hoa từ sự chân thành đến độ.

Là người duy cảm, duy tình và dường như khi cầm bút, ông luôn tự nhủ mình: Hãy về với yêu thương! Chính lời tự nhủ thường trực này, mà trong 3 năm, từ 2022 - 2024, ông đã cho xuất bản liền một lúc 3 tập thơ mang tên: “Bốn mùa thương nhớ”, “Còn lại yêu thương” và “Thương chi lạ” qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Ba tập thơ này, cũng là sở cứ để năm 2024, ông trở thành tân hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam. Và đến “Thương chi lạ”, dấu ấn của những khúc độc thoại trên ngày càng trở nên rõ nét hơn, đậm đặc hơn qua thơ ông.

thuong-chi.jpg
Nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình đọc thơ trong tập “Thương chi lạ” tại buổi giới thiệu tập thơ.

Với Nguyễn Sỹ Bình, tình yêu có lúc lớn đến mức: “Tình anh thắm cả trời hoa phượng đỏ” (“Hè sang”) và mãnh liệt đến mức: “Một lần thôi cho cạn nhớ thương này” (“Huế và tôi”), “Yêu mến ai, yêu cả lối đi về” (“Ngày đi qua”), “Từ đây sẽ có mình và ta” (“Mùa vàng Tây Bắc”), “Gọi trái tim đánh mất/ Gọi em một kiếp này” (“Gọi”).

Ông cũng nhận ra sự đẹp đến mong manh của tình yêu: “Em thật gần nhưng lại xa xôi” (“Gần nhưng xa”) bởi cái cảm giác của tình yêu đem đến cho hai kẻ yêu nhau lần đầu tiên thật kỳ lạ, khó nói nên lời: “Mưa thu bay mơn man trên cơ thể/ Chút rùng mình như mình nắm tay nhau” (“Mưa thu”), bởi cái tâm lý của tình yêu thật mâu thuẫn nhưng lại là một “nghịch lý thuận chiều”: “Tôi lặng lẽ như kẻ chơi trốn tìm/ Muốn trốn thật lâu, lại muốn em tìm thấy” (“Đốm lửa nhỏ”).

Với tình yêu, nỗi dằn vặt lớn nhất, sự hối tiếc lớn nhất của Nguyễn Sỹ Bình là “Chỉ còn lại duy nhất một nỗi đau/ Và mình lại trở thành người xa lạ” (“Còn lại nỗi đau”). Nói giản dị hơn thì nỗi đau ấy có tên gọi: “Nỗi đau mất nhau”. Theo tôi, chỉ những người yêu nhau thực sự, mới thực sự thấm thía điều này.

Cũng có lúc, Nguyễn Sỹ Bình có những câu thơ viết về tình yêu rất thật và hay ở cách nói: “Em đã đến rồi đi như mảnh ghép/ Qua đời anh để khoảng trống đậm sâu” (“Dại khờ”). Cũng có lúc, Nguyễn Sỹ Bình cảm thấy nợ tình yêu một món nợ lớn đến mức: “Trang giấy kia vẫn im lặng trong lòng/ Và bút ấy vẫn nằm trên trang giấy” (“Nợ em”).

Đọc bài thơ này, bỗng dưng tôi nhớ đến “Những lời chưa nói” của Tagore, trong đó có câu: "Và bây giờ những lời chưa nói ấy/ Như con thuyền chao sóng biển lòng tôi”. Cũng rất vô tình và cũng rất ngẫu nhiên, hai người ở hai nơi khác nhau, ở hai thời điểm khác nhau mà họ gặp nhau bởi chính tình yêu đã cho họ hai tứ thơ gần gũi nhau: Một người thì giữ cho mình những lời chưa nói, còn một người thì giữ cho mình những điều chưa viết về người tình tuyệt diệu của mình.

“Nợ nhau những lời chưa nói” hay “nợ nhau những lời chưa viết” cũng là để trả cho tình yêu những gì vẫn còn bí ẩn cần khám phá về nhau. Và các đôi lứa ơi, khi say đắm yêu nhau, hãy nhớ trước mắt và lâu dài của chúng ta, vẫn còn “những lời chưa nói” hoặc “những điều chưa viết” ấy - đó cũng là thông điệp gửi gắm thật sâu sắc qua “Những lời chưa nói” và “Nợ em”.

Nhưng thơ Nguyễn Sỹ Bình, đâu chỉ có thế! Ngoài những bài thơ viết về chủ đề tình yêu, độc giả còn bắt gặp những lát cắt khác nhau và cũng đáng nhớ không kém của ông. Đó là tâm trạng buồn đến mức khó có thể buồn hơn, cô đơn đến mức khó có thể cô đơn hơn trong “Thu qua... em xa”: “Lãng đãng men say lòng trống trải/ Tỉnh làm chi? Chỉ ta... với ta”. Đó là quan niệm vô thường thật cụ thể trong “Thôi em nhé”: “Bởi cuộc sống không gì không thay đổi”. Đó là tâm trạng buông bỏ và ngoái lại để trở về với những gì thuộc về với yêu thương mang ý nghĩ cội nguồn, để hiểu và yêu cuộc sống, coi cuộc sống như niềm hạnh ngộ: “Nhẹ lòng đi những gì còn dang dở/ Buông lơi đi những sân si đời thường/ Đến bên nhau trao, gửi những yêu thương/ Đón tháng năm với bao điều mơ ước/ Để mỗi sáng khi mặt trời thức giấc/ Được cùng nhau đón tia nắng bình minh” trong “Tháng 5”, để “Tận hưởng yêu thương nơi nếp nhà” trong “Tết đến rồi”.

Đó cũng là mấy điểm nhấn điểm xuyết độc thoại tâm tình của Nguyễn Sỹ Bình trong “Thương chi lạ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hãy về với yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.