(HNM) - Chỉ từ những vật liệu đơn giản như túi ni lông, mẩu giấy vụn, chai nhựa… những nhà thiết kế tuổi học trò của hai Câu lạc bộ (CLB) Môi trường Green School Club (Trường THPT chuyên Ngoại ngữ) và Green Environment Club (Trường THPT Nguyễn Tất Thành) đã hô “biến” thành những bộ trang phục độc đáo, tinh tế, thương rỉ máu” của đại dương.
Những bộ thời trang từ rác đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường. |
Triết lý môi trường
Tôi nhớ mãi buổi trình diễn thời trang từ rác đến nghệ thuật hôm ấy của các em tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Chưa đến giờ bắt đầu chương trình nhưng đã có hàng trăm người đứng chật cả hội trường. Từ các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà thiết kế thời trang đến các em học sinh, nét mặt ai cũng ánh lên sự hào hứng đến lạ.
Lê Thị Hồng Nhung, cô học trò có gương mặt sáng sủa, hoạt bát, là thành viên Ban truyền thông của chương trình Greenista 2017 đon đả đón hết đoàn này đến đoàn khác. Trong khi đợi giây phút “bùng nổ” của sân khấu với những màn trình diễn thời trang lần lượt “đốn tim” các khán giả, tôi kéo Nhung lại một góc hỏi xem từ đâu mà các em lại có ý tưởng lạ đến thế. Hồng Nhung chia sẻ, ý tưởng nghệ thuật thời trang đến từ rác đã được nhóm thực hiện được khoảng ba năm nay. Mỗi năm là một câu chuyện, là một chủ đề khác nhau, chủ yếu nhằm thể hiện về các vấn đề liên quan đến môi trường đang bị ô nhiễm.
“Năm nay khác với mọi năm, chúng em không đi vào những vấn đề chung chung, trừu tượng khiến mọi người khó hiểu mà tập trung vào một vấn đề đang được quan tâm trong xã hội, ấy là biển, là đại dương. Khi chọn chủ đề này, chúng em muốn gửi một thông điệp đến tất cả mọi người, rằng đại dương chiếm phần lớn diện tích Trái đất. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi chúng ta là hãy chung tay bảo vệ biển bắt đầu những việc nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi” - Nhung cho biết.
Để có chất liệu tạo nên những bộ cánh lộng lẫy, tinh tế ấy, cứ sau mỗi buổi học, các nhóm lại chia nhau ra đi tìm, đi nhặt hoặc xin những đồ “phế thải” về sàng lọc, sau đó lên phương án, vẽ phác thảo, cắt ghép, thiết kế để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo về nghệ thuật. Từ lúc lên ý tưởng đến khi mang ra “trình làng”, các em cũng mất rất nhiều thời gian, công sức, bởi còn phải cân bằng giữa việc học và tiết kiệm thời gian đi nhặt rác nữa. Và cuối cùng, sau những nỗ lực tuyệt vời, các nhóm cũng đã lần lượt cho ra đời 6 bộ thiết kế với đủ mọi sắc màu, đủ mọi cá tính, bộ sưu tập không chỉ làm ngỡ ngàng những người thiết kế chuyên nghiệp mà còn khiến cho bất cứ ai chứng kiến đều phải giật mình trước ý tưởng vô cùng độc đáo và tinh tế.
Lấy cảm hứng từ những thứ thuần khiết, nhẹ nhàng của biển vào những sớm ban mai, nhóm Mầm đem đến bộ váy mang sắc trắng lung linh, tinh khôi của những làn bọt tuyết trắng xóa khi những con sóng chen nhau xô bờ. Từ những mảnh ni lông trắng bỏ đi, tưởng như không thể dùng được nữa, dưới bàn tay khéo léo cùng trí tưởng tượng vô hạn, những thành viên nhóm Mầm đã tạo nên bộ váy công chúa vừa bồng bềnh, mềm mại với tầng tầng lớp lớp váy mà cũng không kém phần tinh tế với những mảnh CD cũ được dùng làm điểm nhấn bên trên, không tạo cảm giác thô cứng mà lại làm nổi bật, làm bộ váy trở nên lung linh hơn.
Vẫn lấy cảm hứng từ những vạt dầu trôi nổi trên đại dương, tuy nhiên bộ trang phục lần này lại tập trung thể hiện chủ đề này một cách mạnh mẽ hơn. Sự sáng tạo được thể hiện qua việc biến những vạt dầu xấu xí và vô nghĩa thành điểm nhấn của bộ váy, qua đó nêu lên thông điệp về sự nghiêm trọng của vấn nạn này, đồng thời kêu gọi loài người hãy cùng chung tay hành động vì một đại dương xanh ngắt không còn mảng dầu đen ngòm. Những vạt vải xẻ màu tím chính là sự lộn xộn và hoang tàn mà con người đã gây ra cho đại dương. Còn những vạt màu đỏ chính là hiện tượng thủy triều đỏ - một hiện tượng khiến cho sinh vật biển chết hàng loạt, dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái.
Nói đến thiết kế mang nhiều chất xám, độc và lạ nhất phải kể đến chiếc váy lấy cảm hứng từ hung thần cá mập của biển sâu. Các nhà thiết kế đã tốn nhiều công sức tạo nên những đường nét mạnh mẽ, vai áo được tạo hình vây cá mập cùng với những mảng màu đan xen đối lập, tạo cho người xem một cảm giác đầy chiếm đoạt. Bộ trang phục vừa tôn lên vẻ đẹp trưởng thành, táo bạo của người mẫu, vừa thể hiện tính chất uy hiếp nguy hiểm đến từ thảm họa tràn dầu với không chỉ biển khơi mà còn là lời cảnh báo trực tiếp đến với chính con người.
Bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất
Rõ ràng, chưa bao giờ và chưa khi nào môi trường sống của chúng ta lại bị đe dọa như hiện nay do những tác động của chính con người. Những dòng sông “xanh như mắt trẻ” giờ chứa đầy rác thải, đen đúa, nước đặc sịt như màu của than chì. Không phải là điều gì lớn lao, các em trong nhóm đã tiết kiệm thời gian, cân bằng giữa việc học tập trên lớp với việc học ngoại khóa, tranh thủ làm ra những sản phẩm thời trang từ những vật liệu đơn giản để nhằm diễn tả những vấn nạn mà cả xã hội đang phải gánh chịu.
Đến xem chương trình nghệ thuật từ “rác”, ông Nguyễn Văn Hùng, 70 tuổi, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tôi rất ít khi đi xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật nhưng hôm nay được xem một chương trình biểu diễn thời trang với ý tưởng từ rác, tôi thấy hết sức ấn tượng. Bây giờ các bạn trẻ có nhiều sáng tạo quá, không ngờ chỉ từ mẩu giấy, chai nhựa, túi ni lông mà ta vứt đi hằng ngày, là thứ rác, phế liệu mà các cháu có thể “biến” thành những bộ quần áo thời trang lộng lẫy. Những ý tưởng như thế này cần được nhân rộng, khuyến khích. Nhưng điều tôi trăn trở là làm sao để toàn xã hội ta đều có được nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ môi trường không của riêng ai. Đó là việc phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ, được các quy định của pháp luật điều chỉnh chặt chẽ”.
“Đây là một ý tưởng hết sức độc đáo. Kể từ khi tham gia sinh hoạt, đồng hành cùng nhóm, tôi thấy các em ai cũng hồ hởi, phấn khởi hăng say như một chiến dịch truyền thông lớn về bảo vệ môi trường. Dù chỉ là thời gian sinh hoạt ngoại khóa, nhưng thông qua những chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa như thế này, các em không chỉ được vui chơi, giải trí mà hơn thế nữa còn có thêm những nhận thức và kiến thức về bảo vệ môi trường”, cô giáo Nguyễn Thị Anh, giáo viên môn địa lý của Trường THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
Từ sự thiếu ý thức của con người khi xả rác bừa bãi mà gần đây nhiều khu vực ven biển có nguy cơ trở thành bãi rác khổng lồ. Và từ thực trạng này, có thể nói thay vì đưa ra lời hô hào, trách cứ hoặc đổ trách nhiệm, việc bảo vệ môi trường biển của mỗi người nên bắt đầu từ các việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, như “bỏ rác đúng nơi quy định”. Ý tưởng làm nghệ thuật thời trang từ rác của nhóm các em học sinh có thể chỉ như giọt nước giữa đại dương mênh mông nhưng nhiều hành động, hoạt động mang tính cộng đồng như thế được nhân rộng chắc chắn sẽ như ngọn gió lành để thổi bùng lên ngọn lửa trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với mái nhà chung rộng lớn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.