Ngày 13/5, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra Thông điệp về hòa bình tại Biển Đông.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: phatgiao.org.vn |
"Đại lễ Vesak 2014 vừa được tổ chức tại Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam từ ngày 08-10/5/2014, với sự tham dự của hơn 1.150 đại biểu ưu tú của Phật giáo đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với sự tham gia của hàng vạn tăng, ni, phật tử trong nước. Trong không khí đại hoan hỷ và hòa hợp của người con Phật, đại diện cho các tổ chức hệ phái Phật giáo trên thế giới, đã thông qua Tuyên bố Ninh Bình chiều ngày 10 tháng 05 năm 2014 với nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó có nội dung ghi rõ “Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lực pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác trong việc phê chuẩn các công ước của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định thế giới”.
Đáng tiếc, trong khi những người con Phật đang thảo luận về việc xây dựng và kiến tạo hòa bình thì Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 và nhiều tàu các loại của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên.
Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.
Chúng tôi được biết tại Thông điệp của ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc gửi tới Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014, có đoạn “Trong bóng tối của những bi kịch to lớn này, thông điệp của đức Phật về hòa bình, từ bi và tình yêu dành cho tất cả chúng sinh tạo ra tiếng vang mạnh mẽ. Thông điệp này kêu gọi chúng ta mở rộng trái tim và vòng tay cho đồng loại của mình, đặc biệt là những người đang thiếu thốn. Tại một thời điểm căng thẳng đang gia tăng ở nhiều nơi trên châu Á và các nơi khác, những giáo lý vượt thời gian này có thể giúp hướng dẫn các chính phủ và cộng đồng quốc tế. Giáo lý cao quý này có thể truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để giải quyết những thách thức lớn hơn đang đối mặt với thế giới của chúng ta - từ xung đột, bất bình đẳng đến sự biến đổi khí hậu. Trong mỗi lĩnh vực này, chúng ta phải vượt lên trên những lợi ích cá nhân hẹp hòi, để suy nghĩ và hành động như những thành viên của một cộng đồng quốc tế”.
Từ thực tế trên Biển Đông do Trung Quốc tạo nên, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ bị đe dọa bởi sự bành trướng của nước lớn. Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, chúng tôi kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thông qua các hành động cụ thể, kêu gọi Chư vị tôn túc lãnh đạo, tăng ni phật tử Phật giáo trên thế giới, kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc hãy cùng nhau lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp Quốc tế. Yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân bang trong đó có Việt Nam chúng tôi.
Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xin gửi lời tri ân đến Chư vị tôn túc lãnh đạo, tăng, ni, phật tử Phật giáo trên thế giới, tri ân tất cả những tấm lòng nhân hậu, yêu hòa bình và độc lập tự do.
Xin cầu nguyện Đức Từ Phụ gia hộ cho thế giới được hòa bình, chúng sinh được an lạc hạnh phúc; tất cả các hoạt động phật sự, hoạt động vì hòa bình của quý liệt vị được thành tựu viên mãn". /.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.