Hànộimới Online trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013.
» Báo cáo tình hình KT - XH
Hôm nay, ngày 28/02/2013, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02/2013.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá, tháng 02/2013 tuy có những ngày nghỉ Tết cổ truyền dân tộc khá dài (09 ngày), song trong tháng 02 và hai tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu...; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo điều hành, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý tỵ.
Nhìn chung đã bảo đảm cơ bản được những yêu cầu về chăm lo cho nhân dân đón Tết an toàn, đầm ấm, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2013 tăng 1,32% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây[1]. CPI tháng 2/2013 tăng 2,59% so với tháng 12/2012 và tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng thấp trong nhiều năm qua[2].
Tính đến ngày 21/02/2013, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 3,31% so với tháng 12/2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,84%.
Lãi suất huy động và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt; dự trữ ngoai tệ tăng mạnh và đạt mức cao.
Tính chung hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: đáng chú ý là xuất khẩu khu vực trong nước đã có cải thiện[3]; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 27,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,2%, khu vực có vốn nước ngoài tăng 12,9%. Xuất siêu khoảng 1,68 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong hai tháng đầu năm ước đạt 1.050 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký cấp mới đạt 630 triệu USD.
Về công nghiệp, tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2012. Tốc độ tăng IIP hai tháng đầu năm của một số ngành chủ yếu: sản xuất hàng may sẵn tăng 18,9%; sản xuất giầy dép tăng 35,9%; sản xuất xi măng tăng 19,4%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 26,4% ...
Về nông nghiệp, đến ngày 15/02/2013, cả nước gieo cấy đạt hơn 2,6 triệu ha, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó miền Bắc tăng 31,4%; các địa phương phía Nam cơ bản đã gieo cấy xong, diện tích tăng 4,6%. Diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 281 nghìn ha, tăng 32,6%. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong hai tháng đầu năm ước đạt 722,5 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012 (nếu trừ trượt giá, còn tăng khoảng 3,6%); vận tải hàng hóa tăng 5,7%; vận chuyển hành khách tăng 7,6%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,21 triệu lượt.
Hai tháng đầu năm ước tạo việc làm khoảng 200 nghìn lao động, đạt 12,5% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 12 nghìn người.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp các ngành đã thực hiện nghiêm túc các Quyết định của Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ[4] về thăm hỏi, tặng quà đến các đối tượng người có công với cách mạng với gần 1,9 triệu người nhận quà, tổng giá trị hơn 393,5 tỷ đồng, cũng như hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2013 cho 18 tỉnh với 29.092 tấn gạo. Các địa phương cũng đã trích ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà trị giá hơn 800 tỷ đồng.
Công tác thông tin, truyền thông được tích cực triển khai; các hoạt động văn hoá - nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp với nội dung phong phú; quan tâm phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo, vùng chiến khu căn cứ cách mạng, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường.
Trong thời gian Tết Quý tỵ tai nạn giao thông có tăng so với Tết trước, chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông, như: không chấp hành các tín hiệu giao thông; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm; uống bia rượu và chạy quá tốc độ cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông (nhất là trên các tuyến đường khu vực nông thôn).
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng 01/2013 và quy luật sau Tết Nguyên đán, giá cả một số hàng hóa thiết yếu như rau quả, thực phẩm có tăng, nhưng mức độ tăng thấp hơn nhiều so với các năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tuy tăng ở mức thấp (hai tháng là 2,59%) so với nhiều năm nhưng so với mục tiêu để ra (thấp hơn năm 2012 – 6,81%) thì đã ở mức cao. Tình hình tai nạn giao thông của hai tháng đầu năm còn nghiêm trọng (số người chết vẫn tăng). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng tín dụng giảm. Hàng tồn kho có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao…
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội cả năm 2013, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào:
- Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thể chế hóa thành các qui định, giải pháp để thực hiện.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để giữ đà phục hồi tăng trưởng từ cuối năm 2012. Trong đó quan tâm giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, phát triển nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở xã hội, xuất khẩu...
- Ngay trong quí I/2013 phải quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời chú trọng xây dựng cơ chế thu hút các nguồn vốn đầu tư khác với các hình thức đầu tư phù hợp (BOT, PPP...), nhất là đối với các công trình giao thông trọng điểm.
- Tiến hành tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đề ra các giải pháp, chính sách để thu hút nhiều hơn nữa và nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Đối với kinh tế vĩ mô, trước hết phải ưu tiên kiềm chế lạm phát; bình ổn giá. Ngân hàng có biện pháp ổn định tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất phù hợp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; đồng thời chú ý tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, ổn định thị trường tài chính, tiền tệ...
- Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác thu chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN đã được Quốc hội thông qua.
- Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, nhất là quan tâm tới người nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo (phấn đấu giải quyết cơ bản các vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài).
- Bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nhất là ngăn chặn, kiềm chế các loại tội phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông; làm tốt công tác đối ngoại, trong đó tích cực, chủ động trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do; đấu tranh với các rào cản thương mại; nâng cao khả năng giải quyết các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.
- Các cơ quan thông tin, truyền thông chủ động đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác tuyên truyền trong đợt góp ý kiến về Dự thảo Hiến pháp; đồng thời các Bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và phản ứng kịp thời với những thông tin sai lệch.
-------------------------------------------------------
[1] So với tháng trước, CPI tháng 2 các năm 2010-2013 lần lượt là: 1,96%; 2,09%; 1,37% và 1,32%.
[2] Tháng 02 so với tháng cùng kỳ năm trước các năm 2008-2013 lần lượt là: 15,67%; 14,77%; 8,46%; 12,31%; 16,44% và 7,02%.
[3] Hai tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước là 4%.
[4] Quyết định số 71/QĐ-CTN ngày 10/01/2013 của Chủ tịch nước; các Quyết định: số 111/QĐ-TTg ngày 9/01/2013, số 189/QĐ-TTg ngày 18/01/2013, số 273/QĐ-TTg ngày 02/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.