(HNM) - Vài ngày trước, tàu Hải Trường 36 của Công ty Vận tải biển Hải Trường chở 3.000 tấn gạo từ An Giang đi Hải Phòng gặp sự cố, mắc cạn tại vùng biển Bình Thuận. Thủy thủ trên tàu quyết định cho ngư dân một số gạo để tránh việc tàu chở nặng có nguy cơ bị đắm, nhưng khi con tàu đã an toàn, mặc dù không được phép, nhiều thuyền của người dân địa phương tiếp tục áp sát để... hôi của. Đến nay, cơ quan chức năng đã can thiệp, điều tra thiệt hại, thu thập chứng cứ liên quan.
Câu chuyện liên quan đến tai nạn của tàu Hải Trường 36 một lần nữa đưa ra lời cảnh báo về nạn hôi của như… ăn cướp thường thấy ở những vụ sập nhà, cháy chợ , tai nạn giao thông... Trong đó, vụ hôi bia tại Biên Hòa - Đồng Nai làm rung động dư luận cả trong và ngoài nước trước đó chưa nguôi quên trong tâm trí nhiều người. Có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng tình trạng hôi của đang trở nên phổ biến? Phải chăng truyền thống nhân ái, nhân văn của dân tộc đang bị mài mòn bởi sự vô cảm, thậm chí nhẫn tâm của một bộ phận người trong xã hội? Làm gì để loại bỏ nạn hôi của ra khỏi đời sống hiện tại?
Thay vì ra tay cứu nạn với tinh thần "thương người như thể thương thân", nhiều người đã lao vào tranh cướp tài sản của nạn nhân. Vì sao vậy? Vì lòng tham nên người ta sẵn sàng cướp lấy tài sản không phải là mồ hôi nước mắt của mình? Vì họ hành động theo phong trào, theo tâm lý đám đông, thấy người khác làm, mình cũng làm theo để... kiếm một chút?... Vì bất cứ lý do gì thì hôi của cũng là hành vi không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Những người hôi của, ở khía cạnh khác, có thể gọi là cướp của, nhiều trường hợp dồn người gặp nạn vào bước đường cùng...
Có người cho rằng, hôi của còn tệ hại hơn ăn trộm, ăn cắp. Bởi lẽ, ăn trộm, ăn cắp có khi không ai biết, không ai thấy, còn hành vi hôi của diễn ra ngang nhiên. Như vậy, hành vi hôi của không khác bao nhiêu so với hành động ăn cướp. Thế nhưng, đáng buồn là rất nhiều người chưa ý thức được hậu quả của những hành vi xấu xí và rất đáng lên án ấy. Xã hội ngày càng phát triển, ngày càng văn minh nên mỗi thành viên trong xã hội cũng cần thể hiện những hành vi tương ứng. Cần phải loại trừ những hành vi xấu khỏi đời sống xã hội.
Trên thực tế, hành vi hôi của nhiều lúc chưa được các cơ quan chức năng quan tâm ngăn chặn kịp thời hoặc xử lý nghiêm khắc dù có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt hoặc trộm cắp tài sản với mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân. Công bằng mà nói, trong nhiều trường hợp, khi ai đó gặp nạn, việc điều tra xử lý hành vi hôi của rất khó khăn vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan... Tuy nhiên, khó không phải là lý do để ngụy biện việc không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả của tệ nạn này.
Những vụ hôi của diễn ra ngày càng nhiều phần nào cho thấy lòng tham và sự vô cảm trong con người đang ngày một lớn dần. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Đã đến lúc các cơ quan chức năng và các thành viên trong xã hội cần có thái độ quyết liệt hơn để ngăn chặn hành vi xấu xí này. Khoan nói chuyện "gieo nhân nào, gặt quả nấy", những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức, đi ngược lại truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc đều đáng lên án và phải loại bỏ khỏi đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.