(HNM) - Gần đây, giá vàng trên thị trường tự do tăng cao với những đỉnh mới, kéo theo tỷ giá đồng đôla Mỹ và một số đồng tiền ngoại cũng tăng so với đồng nội tệ khiến nhiều đơn vị nhập khẩu khó khăn trong hoạt động kinh doanh và sản xuất.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra những nhận định, trong đó có nhận định đáng chú ý là: dân ta phần đông đã quá "ổn định" với thói quen giữ của theo kiểu "tích cốc phòng cơ" khiến ước đoán hiện có khoảng 700-800 tấn vàng đang nằm rải rác trong két các gia đình Việt. Kèm theo đó là ước đoán có đến hơn 5 tỷ đôla Mỹ đang nằm đâu đó trong túi cá nhân không được đưa vào lưu thông, bởi số tiền này không thể hiện ở bất cứ một tài khoản tiền gửi hay đầu tư nào…
Tích trữ, lâu nay vẫn là thói quen của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Đã đành "tích cốc" là thói quen cố hữu của người làm ăn nhỏ, lại phụ thuộc thiên nhiên quá nhiều, phòng khi đói kém. Song tích trữ vàng và ngoại tệ mạnh mà thành thói quen mới thì thị trường sẽ bị ngưng đọng phi lý, khiến nguy cơ mất giá đồng nội tệ tăng, kéo theo nguy cơ lạm phát và quan trọng hơn là các kênh đầu tư khác, chẳng hạn bất động sản, chứng khoán, nhập khẩu… đều gặp khó khăn.
Nhiều người có phẩm chất lo xa, nghĩ dài tới các thế hệ sau (tiếc thay, con số này tuy không lớn tuyệt đối nhưng lại có tiềm lực găm giữ cực mạnh) giờ đây trước những biến động về tỷ giá vàng và ngoại tệ, đã lại tiếp tục làm biến động thị trường này bằng các "liệu pháp số đông" tranh thủ mua vào để… lưu két khiến yếu tố đầu cơ được dịp phát triển. Chính các thao tác không được kiểm soát này đã trực tiếp tạo nên các cơn sốt vàng như mọi người từng thấy trong năm nay. Khi cung cầu mất cân đối, vàng bị tích trữ trong dân, giá cả tăng cao, Nhà nước buộc phải cho nhập khẩu vàng. Việc này lại tác động mạnh đến giá mua ngoại tệ để mua vàng. Ngân hàng Nhà nước lại phải "bơm" tiền nhằm giảm tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Và thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, dựa vào một tính toán không mới, trước đây thâm hụt thương mại nước ta là vào khoảng 5 tỷ đô la Mỹ. Nếu số ngoại tệ này đang nằm trong túi các gia đình Việt Nam mà được đưa vào lưu thông thì tình trạng căng thẳng về ngoại hối đâu đến nỗi như ta đang thấy. Mặt khác, khi Nhà nước đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn vay nhằm đầu tư phát triển nền kinh tế thì việc số lượng không nhỏ ngoại tệ bị thói quen cất giữ của dân ta "giam cầm" đang gây tác hại cho các mục tiêu tăng trưởng ổn định. Điều đó cho thấy thói quen cũ không còn thích hợp với quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường cần lắm một dòng chảy thông suốt của các nguồn vốn - càng tăng vòng quay càng hữu ích, sinh lời.
Khi thói quen tích trữ trở thành lực cản các vòng quay hữu ích của dòng vốn trên thị trường, thì giới đầu cơ tha hồ hưởng lợi bằng các chiêu tác động tâm lý và thổi giá. Giá vàng, ngoại tệ tăng cao, đến lượt nó lại khiến các hoạt động tín dụng nội tệ không hấp dẫn người ta nữa. Người gửi sẽ chuyển sang các kênh hấp dẫn hơn là vàng và ngoại tệ. Hoạt động này khiến áp lực lạm phát tăng lên và hệ quả kéo theo là giá cả hàng hóa tăng theo, nhất là bất động sản.
Vậy là, trong giai đoạn kinh tế phát triển "khá nóng" hiện nay, đã xuất hiện thực tế khách quan đòi hỏi phải có các biện pháp hữu hiệu để thay đổi những thói quen của nền sản xuất nhỏ. Đương nhiên thói quen cũ không phù hợp cần thay đổi chỉ là một trong những nguyên nhân "gây khó" cho giai đoạn phát triển nhất định, nhưng về lâu dài nó vẫn cần phải được chỉ ra như một biện pháp tất yếu phải thay đổi cho đúng mực trước yêu cầu phát triển của tương lai kinh tế - xã hội nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.