Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời gian không chờ đợi ai

Tuấn Kiệt| 26/02/2018 06:55

(HNM) - Người Việt vốn có quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, và trong dư vị ấm áp, hạnh phúc của những ngày đầu xuân mới, không khí lễ hội dường như vẫn hiện diện rõ nét trong đời sống...

Vậy nhưng, thật mừng là đến hôm nay, gần một tuần làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dù sắc xuân vẫn còn tràn ngập trên những con đường, ngõ phố nhưng tại các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thấy được tín hiệu vui, khí thế mới từ những ngày đầu năm.

Bắt tay vào công việc ngay từ những ngày đầu năm mới để tạo đà cho năm 2018 là điều hết sức cần thiết. Đất nước vừa bước qua năm 2017 với những kết quả rất đáng mừng, chúng ta đã hoàn thành, đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, với hàng loạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, thu hút FDI, thành lập doanh nghiệp mới, giảm nợ công… Đó là thành quả của sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp, từ Chính phủ đến các địa phương, doanh nghiệp.

Nhưng, nhìn tổng thể, so với nhiều quốc gia khác, đất nước vẫn còn nhiều mặt phải "tăng tốc" hơn nữa để rút ngắn khoảng cách phát triển. Như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2017: “Một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335 USD thì không có gì quá phấn khởi”, và chúng ta không thể “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, mà phải thể hiện rõ sự quyết tâm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. “Làm việc ì ạch thì làm sao có phong trào, có kết quả được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thật vậy! Hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra yêu cầu bắt buộc chúng ta phải thay đổi cách thức sinh hoạt, tư duy làm ăn. Đáng mừng là thực tế dịp Tết vừa qua, ngoài hoạt động của các ngành dịch vụ, thì có nhiều lĩnh vực, những ngành, nghề, công trường, dự án... hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra sôi động. Nhiều công trường tổ chức lao động sản xuất để bảo đảm tiến độ thi công. Sau Tết, việc tổ chức ra quân lao động sản xuất đầu năm được các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng, nhằm tạo khí thế thắng lợi ngay từ ngày đầu.

Không khí phấn khởi sớm bắt tay vào công việc của lực lượng lao động đã cho thấy sự dần thay đổi trong nếp nghĩ của người lao động. Nếu như những năm trước, sau dịp Tết nhiều công nhân không trở lại làm việc thì năm nay, nhiều doanh nghiệp nhẹ nhõm khi tỷ lệ người lao động trở lại làm việc cao. Điều này cũng đồng nghĩa đã có sự chủ động của chính các doanh nghiệp, chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chủ động đơn hàng, tránh tình trạng thiếu việc sau Tết phải cắt giảm nhân công. Hơn nữa, chính sự chăm lo chu đáo về chế độ chính sách, bảo đảm thu nhập cũng là biện pháp “giữ chân” để người lao động yên tâm công tác.

Trong nhiều năm qua, kinh tế nước ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, lao động. Đáng chú ý là tốc độ tăng năng suất trong 10 năm qua có xu hướng giảm sút. Dù năm 2017 nhiều ngành, lĩnh vực đã chuyển biến trong cơ cấu tăng trưởng và năng suất lao động đã tăng 5,87%, nhưng dường như chừng đó chưa đủ khi câu chuyện năng suất lao động vẫn làm “nóng” dư luận, và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tăng năng suất lao động phải đạt 6,2-6,3% mỗi năm thì mới có thể “tạm yên tâm”. Muốn vậy thì không chỉ Chính phủ, bộ, ngành mà từng doanh nghiệp, người lao động phải có tâm thế thay đổi để chủ động nâng cao năng suất, nhất là khi thế giới đang sôi động với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong thông điệp đưa ra cho năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Phải quyết liệt, cốt sao đạt hiệu quả cao nhất”, "bắt tay ngay vào việc, không để tình trạng tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Thời gian không chờ đợi ai. Hành động quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, tạo được động lực, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại thì chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ của năm 2018…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời gian không chờ đợi ai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.