(HNM) - Sau những thông tin thịt lợn nhiễm chất tạo nạc bị cấm, hoa quả được bảo quản bằng hóa chất độc hại..., nhiều gia đình đã quyết định chỉ mua và sử dụng những "thực phẩm quê" như rau không phun thuốc, thịt gà và lợn tự nuôi, rau quả trồng ở vườn nhà...
Thế là ai có người nhà ở quê thì gọi điện, tự về mua, thậm chí sắm tủ lạnh cỡ lớn để dự trữ… khiến cho câu chuyện "thực phẩm quê" trở nên thời sự hơn bao giờ hết. Không ít người đã tẩy chay thực phẩm ngoài chợ mà chỉ dùng "thực phẩm quê" hoặc bán trong siêu thị cho dù phát sinh khá nhiều phiền toái trong mua bán cũng như ảnh hưởng đáng kể đến túi tiền.
Để mua được "thực phẩm quê", một xu hướng mới được người tiêu dùng, đặc biệt là lớp trẻ ưa thích là mua bán online (qua mạng). Có cầu ắt có cung, các trang mua bán thực phẩm qua mạng hiện đang hoạt động khá nhộn nhịp. Các "hàng, quán" kinh doanh thực phẩm quê với những dòng tự quảng cáo: "Thực phẩm quê chính hiệu", "Rau sạch 100% nhà tự trồng", "Gà quê, thịt sạch, cá còn bơi"... nở rộ như hoa cỏ mùa xuân! Dẫu đa phần người bán không phải là nông dân mà chỉ có nguồn hàng ở quê, có người thân trực tiếp trồng trọt, chăn nuôi, thậm chí nhiều người vừa trực tiếp về các vùng quê lấy hàng lên để dùng vừa tranh thủ bán để kiếm thêm... song không phải vì thế mà họ không có hàng "xịn". Việc mua bán lại tiện lợi, nhanh chóng, hàng hóa phong phú nên cũng khá hút khách.
Theo nhận xét của nhiều người tiêu dùng, thực phẩm quê vừa rẻ lại vừa sạch, ngoài hương thơm và mùi vị đặc trưng còn bảo đảm được chất lượng ATVSTP thông qua những thương hiệu truyền thống, đặc trưng. Có điều, việc mua bán dù sao cũng lích kích, mất nhiều công sức, thì giờ. Những người làm công ăn lương, gia đình neo đơn, bị hạn chế về thời gian… mà "chạy" theo trào lưu này, quả là khó khăn. Bên cạnh đó, việc xác định những tiêu chí khoa học của "thực phẩm quê" cũng còn chưa rõ ràng, nặng về cảm tính và sự tin tưởng ở người bán nên không khỏi có chuyện "nói vậy mà không phải vậy"!
Thời "thực phẩm quê" lên ngôi mà sao các cơ quan có trách nhiệm lại thờ ơ, DN trồng trọt, chăn nuôi lại bỏ qua, không biết chớp lấy thời cơ để đẩy mạnh sản xuất các hàng hóa "sạch", đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và cũng không phải là quá khó? Câu hỏi này được dư luận đặt ra mà trả lời được cũng là một hướng giải quyết bài toán kết hợp sản xuất - kinh doanh và phục vụ người tiêu dùng sao cho phù hợp, có hiệu quả hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.