Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời cơ, vận hội mới để phát triển Thủ đô xứng tầm

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu| 13/05/2022 06:39

(HNM) - Để mở hướng xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, ngày 5-5-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị khóa XIII ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là bước đột phá tư duy, đặt tiền đề chính trị, mang tầm nhìn mới của Đảng, mở ra thời cơ, vận hội mới để phát triển Thủ đô thực sự trở thành trung tâm đầu não chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, kết nối toàn cầu.

1. Về quan điểm, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị có 4 điểm nhấn là: Khẳng định vị thế, vai trò, sứ mệnh lịch sử của Thủ đô đối với vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước; Đặt nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong mối quan tâm chung của Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị và đồng bào cả nước; Chỉ rõ ưu tiên hoàn thiện thể chế phù hợp đặc thù Thủ đô, mở ra cơ hội phát triển toàn diện, đồng bộ, huy động sức mạnh tổng hợp, lấy con người làm trung tâm, dựa vào văn hóa làm nền tảng phát triển; Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ và đặt văn hóa ngang hàng với chính trị - kinh tế - xã hội.

Về tầm nhìn, các nghị quyết về phát triển Thủ đô trước đây (Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI) chỉ xác định chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô trong khoảng 10 năm, với mục tiêu cụ thể cho chặng đường 10 năm. Trong đó xác định mức độ yêu cầu nhiệm vụ đối với Thủ đô là tiên phong về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng văn hóa, con người Thủ đô văn minh, thanh lịch. Lần này, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII mang tầm nhìn thời đại, đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn, thực sự coi Thủ đô là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới sâu sắc hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn. Đặc biệt, Nghị quyết lần này chỉ rõ tính gương mẫu đi đầu của Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực. 

Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để đi đúng định hướng và hoàn thành mục tiêu đã xác định. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được chỉ ra dựa vào tư duy tổng thể, toàn diện, đồng bộ, phối kết hợp, đan xen với nhau, tiến hành thường xuyên, liên tục; kết hợp chặt chẽ điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, nguồn lực và yếu tố thời đại như Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...

Trong các nhiệm vụ, giải pháp, cũng thể hiện rõ phương châm “Dựng nước gắn liền với giữ nước”, vừa làm cho Thủ đô giàu đẹp, nhưng cũng phải làm cho Thủ đô hùng mạnh, là thành trì bất khả xâm phạm, bất khả chiến bại trong mọi tình huống, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Thủ đô phải thực sự là pháo đài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối cho trung tâm đầu não chính trị, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên địa bàn. Bảo đảm an ninh, trật tự, lành mạnh hóa môi trường xã hội, gương mẫu cho tinh thần thượng tôn pháp luật.

Phần tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ nêu rõ việc Hà Nội có trách nhiệm chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, hoàn thiện các quy hoạch có liên quan đến Thủ đô, ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ phát triển hằng năm, các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác, thúc đẩy với các địa phương trong vùng và cả nước cùng phát triển, đồng thời tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài.

2. Từ việc tìm hiểu các nội dung cốt lõi trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị thấy nổi lên điểm nhấn quan trọng nhất, là nhân lõi và linh hồn các giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại mà Thủ đô Hà Nội cần kiến tạo từ nay đến giữa thế kỷ XXI.

Văn hiến, giá trị này được đặt lên trước tiên, duy nhất, riêng có ở Thủ đô Hà Nội, biểu thị trạng thái văn minh đạt tới đỉnh cao về phương diện văn hóa, trình độ cải biến thực tế, vượt qua khó khăn, thách thức, chớp thời cơ, vận hội, ứng phó với thiên nhiên, khả năng chiến thắng địch họa, nhất là trình độ tổ chức mô hình xã hội, duy trì đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của kinh đô Đại Việt. Đúng như Nguyễn Trãi nêu trong Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Thành Cổ Loa cho đến thành Thăng Long thực sự là niềm kiêu hãnh, là hiện linh cho hồn cốt dân tộc Việt Nam tự lực, tự cường. Những giá trị vật chất, tinh thần được lưu lại trong các di tích, trong văn học dân gian liên quan đến Thăng Long đều phản ánh diện mạo kinh đô Đại Việt qua bao thăng trầm lịch sử mà vẫn trường tồn. Nền văn hiến mang bản sắc văn minh nông nghiệp, tỏa sáng ven sông Hồng, trở thành bất tử. Đấy là nền tảng lịch sử, văn hóa, tinh thần cần được tiếp biến trong thời hiện đại.

Văn minh, mang nội hàm về tính tiên tiến, phát triển đạt chuẩn mực trong từng giai đoạn trong tiến trình đi lên của lịch sử nhân loại, của dân tộc. Thủ đô Hà Nội được phát triển trên nền tảng văn hiến thì không thể đi chệch các giá trị văn minh của dân tộc, của thời đại.

Văn minh thể hiện tính nhân bản, nhân văn trong ứng xử, giao tiếp giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa con người và xã hội với thiên nhiên, vạn vật, giữa hiện tại và quá khứ, giữa trong nước với quốc tế. Theo đó, Thủ đô Hà Nội phải tự xây dựng cho mình các chuẩn mực giá trị, các quy tắc ứng xử dựa trên tiền đề đã có trước đó, được tôn vinh là những sắc thái văn hiến của Thăng Long như: Anh hùng, hào hoa, thanh lịch...

Hiện đại, hàm ý nói tới những giá trị đã và đang hướng tới, bắt kịp, cập nhật, tạo ra giá trị mới, đạt thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, đúc kết, phát huy những thành tựu mới của dân tộc và của thời đại, tạo ra diện mạo mới, cơ đồ mới cho Thủ đô và đất nước.

Đặc biệt, Nghị quyết cũng khẳng định việc phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Đó là mục tiêu và “kim chỉ nam” xuyên suốt để Hà Nội phát triển đến năm 2030, đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là 100 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội; đến năm 2045, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

***

Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, từ thành Cổ Loa cho tới Thăng Long - Hà Nội, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, vùng đất linh thiêng ven sông Hồng, nơi lưu truyền huyền tích Lý Thái Tổ đặt tên Thăng Long với ước vọng nước Đại Việt cường thịnh muôn đời, nơi Lê Thái Tổ trả gươm thần cho rùa vàng, gửi lại thiên thu thông điệp hòa bình cho muôn dân nước Việt. Từ xa xưa lịch sử cho đến nay, nơi đây vẫn là chốn hội tụ linh khí, là biểu tượng cho một dân tộc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, yêu chuộng hòa bình, bảo vệ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tỏa sáng lương tri và phẩm giá nhân loại. Với tầm tư duy đi trước thời đại, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị sẽ soi rọi hướng đi, thổi luồng sinh khí linh thiêng vào tâm khảm mỗi người dân Thủ đô và đồng bào cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời cơ, vận hội mới để phát triển Thủ đô xứng tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.