Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời cơ và thách thức

Thùy Dương| 27/09/2015 07:15

(HNM) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - một trong những trụ cột quan trọng của Cộng đồng chung ASEAN sẽ ra đời vào tháng 12-2015. Với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước, Hà Nội đứng trước những thời cơ và thách thức do AEC mang lại.


Hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội" do UBND TP Hà Nội tổ chức đã trở thành diễn đàn có ý nghĩa để các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chia sẻ sự đánh giá những tác động của AEC đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Doanh nghiệp Hà Nội sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh khi gia nhập AEC.



Triển vọng nhiều

PGS.TS Hoa Hữu Lân - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội khẳng định, quá trình tham gia AEC sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo cơ hội hợp tác xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Hà Nội. Việc xóa bỏ thuế nhập khẩu với mức 89% hiện nay về mức 0%, là cơ hội cho DN có điều kiện giảm chi phí nhập khẩu, tăng giá trị xuất khẩu không chỉ trong thị trường ASEAN mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ theo công thức (FTA ASEAN+1+3+5...)

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Thị Minh, ThS. Nguyễn Thanh Lâm - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân lại cho rằng sự ra đời của AEC vào cuối năm nay sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng, đặc biệt là thị trường BĐS Hà Nội, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước. Dựa trên nguồn số liệu thứ cấp, sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp và dự báo về diễn biến thị trường BĐS trong thời gian gần đây, hai diễn giả cho biết việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ tác động đến sự phát triển của thị trường BĐS thành phố Hà Nội theo từng phân khúc. Theo đó, thị trường BĐS Hà Nội sẽ là một trong những điểm đến thu hút nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài ở các phân khúc BĐS nhà ở và nhà thương mại.

Thách thức lớn

Dẫu vậy, cơ hội của Hà Nội cũng đi kèm với những thách thức đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN Thủ đô. Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân các DN xuất khẩu Hà Nội sẽ gặp phải nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về du lịch đầu tư của các nước ASEAN. Các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng, trong đó, đáng chú ý là quy tắc xuất xứ, phải có tỷ lệ nhập khẩu nội khối là 40% mới được hưởng ưu đãi. Thế nhưng hiện nay, phần lớn DN Hà Nội nhập khẩu nguyên liệu ngoài khu vực ASEAN. Lợi thế cạnh tranh về giá cả xuất khẩu của các DN vì thế không cao do giá sản phẩm không chỉ bị đội lên do chi phí nhập khẩu nguyên liệu, cước phí vận chuyển từ bên ngoài cao mà còn tăng chi phí từ biến động về giá điện, xăng dầu trong nước. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh về nguồn lực (vật liệu và nhân lực) của các DN Hà Nội hiện nay không chỉ thấp hơn so với các DN trong khu vực mà còn một số chỉ số còn thấp so với các DN của các địa phương trong nước. Trước thực trạng đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DN Hà Nội trong quá trình tham gia AEC vào cuối năm 2015, Hà Nội cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp vĩ mô và vi mô như hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lộ trình cắt giảm thuế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN theo yêu cầu của AEC, tăng cường tuyên truyền về quá trình tất yếu tham gia AEC đối với các DN...

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, để hội nhập thành công, Hà Nội không có con đường nào khác là phải tận dụng các lợi thế và khắc phục các yếu điểm. Trên cơ sở đó, bên cạnh việc thực hiện một cách linh hoạt và hiệu quả chính sách hội nhập quốc tế chủ động, tích cực của Đảng và Nhà nước, thì việc nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, sự hợp tác các tầng lớp dân cư là cần thiết. Cùng với đó là tiến hành mạnh mẽ lộ trình tái cơ cấu kinh tế Thủ đô để hội nhập kinh tế ASEAN và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời cơ và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.