(HNM) - “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quan điểm của Chính phủ đối với quá trình cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Tại Habeco, sau khi thoái vốn thuộc sở hữu Nhà nước (chiếm 81,79%), ngân sách nhà nước dự kiến sẽ thu về khoảng 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đối với Sabeco, do vốn sở hữu Nhà nước lên tới 89,59%, nên việc thoái vốn chia thành 2 đợt, với tổng giá trị lên tới 40.000 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hóa, hai "đại gia" bia, rượu đều niêm yết trên sàn chứng khoán, đem lại một nguồn hàng tốt cho thị trường, cũng như cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc quản lý quy trình thoái vốn sao cho chặt chẽ, hiệu quả, bảo toàn nguồn vốn ngân sách nhà nước, tránh tình trạng nguồn vốn này rơi vào túi của một số cá nhân có quyền; và thu hút được những nhà đầu tư giỏi, có năng lực thật sự mới là vấn đề đáng quan tâm.
Theo các chuyên gia tài chính, số tiền thu được từ quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước lớn cần phải được đầu tư trở lại để phát triển kinh tế. Việc công khai, minh bạch quá trình sử dụng vốn cho dự án nào, hiệu quả hay không là đòi hỏi lớn nhất hiện nay của người dân. Mặc dù số tiền 49.000 tỷ đồng là vốn sở hữu Nhà nước, song xét về bản chất, đây là tiền, tài sản thuộc về nhân dân. Nhà nước chỉ thay mặt nhân dân để quản lý. Việc đầu tư nguồn vốn này vào những dự án cấp bách, hiệu quả thay vì để bù đắp những khoản hụt thu ngân sách chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích kinh tế cao cho ngân sách nhà nước. Đấy mới là quyết định đầu tư sáng suốt, minh bạch và hợp lòng dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.